Vì sao Đắk Lắk phải đề nghị Bộ Công Thương "cứu" loạt dự án điện gió 685MW?
(PetroTimes) - UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đề nghị Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ quan tâm, xem xét, xử lý một số nội dung. Trong đó, có kiến nghị phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/11/2022.
UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Hiện trên địa bàn tỉnh này có 8 dự án đã được cấp chủ trương đầu tư với quy mô công suất 685MW.
Đến nay, tiến độ các dự án chưa hoàn thành, ví dụ, dự án điện gió Ea Nam tiến độ hoàn thiện đạt khoảng 80% khối lượng công trình; 4 dự án điện gió tại huyện Krông Búk hoàn thành khoảng 40 đến 45% khối lượng công trình...
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc như dịch COVID-19 kéo dài làm tiến độ cung cấp tuabin gió bị chậm so với hợp đồng mua bán đã ký kết; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa bị gián đoạn.
Các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 nên việc vận chuyển thiết bị tuabin gió (hàng siêu trường, siêu trọng) gặp khó khăn. Cán bộ, kỹ sư, chuyên gia nước ngoài phải thực hiện cách ly tập trung theo quy định, người lao động thi công trên công trình cũng hạn chế.
Một dự án điện gió đã hoàn thành (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, trình tự, thủ tục về đầu tư xây dựng một dự án lớn có hạng mục trạm biến áp 500kV, đường dây 500kV đấu nối cần nhiều thời gian để hoàn thiện đầy đủ, các thủ tục về đầu tư xây dựng, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công tốn nhiều thời gian.
Vì các khó khăn, vướng mắc nêu trên nên các doanh nghiệp đầu tư điện gió trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn thời gian áp dụng giá mua điện gió theo Quyết định 39/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến ngày 1/11/2022.
Theo tìm hiểu của PV, trước những khó khăn do dịch Covid-19, một số tỉnh miền Nam cũng có văn bản đề nghị lùi thời hạn áp dụng giá mua điện gió theo quyết định 39, như: UBND các tỉnh Trà Vinh, Gia Lai, Sóc Trăng cũng đồng loạt có văn bản đề xuất tới các cấp có thẩm quyền báo cáo về tình trạng các dự án điện gió trên địa bàn không kịp hoàn thành, vận hành thương mại trước tháng 11 tới để hưởng mức giá ưu đãi 9,8 UScent/kWh theo Quyết định 39.
Ở một diễn biến khác, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) và ngành điện gió toàn cầu kêu gọi Chính phủ Việt Nam cho phép giãn thời hạn áp dụng cơ chế giá FIT thêm ít nhất 6 tháng như là một biện pháp cứu trợ COVID-19 cho ngành điện gió Việt Nam.
Theo Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu, do những trở ngại và đình trệ do đại dịch gây ra, phần lớn các dự án điện gió trên bờ đang triển khai sẽ không kịp hoàn thành kịp hạn chót, trước ngày 01/11/2021, để hưởng cơ chế ưu đãi giá điện cố định (FIT). Nếu không lùi thời hạn áp dụng giá FIT, những dự án này sẽ không thể tiếp tục và sẽ tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế địa phương cũng như môi trường đầu tư năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
X.Hinh (tổng hợp)