Taliban muốn mở ra chương mới với Mỹ, Nhà Trắng nói "chưa vội"
Taliban muốn xây dựng quan hệ với Mỹ sau khi thành lập chính phủ mới ở Afghanistan, nhưng Washington tuyên bố vẫn chưa vội đưa ra quyết định.
Taliban dọa giáng đòn nặng nề dập tắt phong trào kháng chiến |
Taliban sẽ duy trì quyền lực lãnh đạo Afghanistan được bao lâu? |
Tay súng Taliban ở Afghanistan (Ảnh: Getty). |
"Chưa vội để công nhận Taliban. Việc công nhận sẽ phụ thuộc vào những bước đi của Taliban. Cả thế giới, bao gồm Mỹ, sẽ theo dõi những bước đi này. Tôi không thể đưa ra lộ trình thời gian cho các bạn. Điều đó còn phụ thuộc vào những hành vi mà Taliban thể hiện trên thực tế", Thư ký báo chí Nhà Trắng Jens Psaki nói trong cuộc họp báo ngày 7/9.
Tuyên bố của Nhà Trắng được đưa ra sau khi Taliban công bố nội các chính phủ mới, chính thức đánh dấu sự trở lại nắm quyền của lực lượng này ở Afghanistan sau 20 năm bị phương Tây lật đổ.
Mullah Mohammad Hassan, người đứng đầu ủy ban lãnh đạo Taliban, được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng. Người đồng sáng lập Taliban, Mullah Abdul Ghani Baradar, nhân vật đại diện cho Taliban ký thỏa thuận hòa bình với Mỹ hồi năm ngoái, được chọn làm quyền Phó thủ tướng.
Người phát ngôn Taliban Suhail Shaheen cho biết lực lượng này sẵn sàng thiết lập quan hệ với Mỹ và hoan nghênh Mỹ tham gia vào tiến trình tái thiết Afghanistan.
"Tất nhiên, trong một chương mới sẽ mở ra nếu Mỹ muốn thiết lập quan hệ với chúng tôi, có thể vì lợi ích của cả hai nước và cả hai dân tộc, và nếu họ muốn tham gia vào công cuộc tái thiết Afghanistan, họ được hoan nghênh", ông Shaheen nói.
Người phát ngôn nói rằng Taliban sẽ không có bất kỳ quan hệ nào với Israel nhưng muốn duy trì đối thoại với tất cả các nước láng giềng.
"Tất nhiên, chúng tôi sẽ không có bất kỳ mối quan hệ nào với Israel. Chúng tôi muốn có quan hệ với các nước khác, nhưng Israel không nằm trong số các quốc gia này... Chúng tôi muốn có quan hệ với tất cả các nước trong khu vực và các nước láng giềng cũng như các nước châu Á", ông Shaheen nói thêm.
Taliban đã kiểm soát thủ đô Kabul vào ngày 15/8 sau chiến dịch chớp nhoáng tại Afghanistan. Trong khi đó, Mỹ đã hoàn tất việc rút quân khỏi Afghanistan sau 20 năm chiến tranh vào cuối tháng trước.
Cho đến nay, cộng đồng quốc tế vẫn do dự về việc thiết lập quan hệ với Taliban với tư cách là lực lượng cầm quyền ở Afghanistan. Hầu hết các nước phương Tây vẫn duy trì liên lạc với Taliban, đặc biệt là liên quan đến việc sơ tán công dân khỏi Afghanistan.
Mỹ và các đồng minh vẫn đang theo sát động thái của Taliban để xem liệu họ có thiết lập một chính phủ toàn diện với sự tham gia của nhiều thành phần nhằm ổn định đất nước và ngăn chặn xảy ra nội chiến hay không. Các yêu cầu khác từ phương Tây bao gồm quyền tự do đi lại cho những người muốn rời khỏi Afghanistan và quyền cho phụ nữ - nhóm từng đối mặt với luật lệ hà khắc khi Taliban nắm quyền 20 năm trước.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 7/9 tuyên bố Washington có kế hoạch tổ chức các chuyến bay sơ tán mới khỏi Kabul, vì Taliban đã cam kết để những người có giấy tờ thông hành được tự do rời khỏi Afghanistan.
"Các chiến binh Taliban nói rằng họ sẽ để những người có giấy thông hành tự do rời đi, chúng tôi sẽ lưu ý cam kết đó. Hàng chục quốc gia khác cũng vậy. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi xem liệu Taliban có thực hiện đúng cam kết của họ hay không", ông Blinken nói với các phóng viên ở Doha.
Taliban thực thi luật Hồi giáo ở Afghanistan
Lãnh đạo Taliban tuyên bố luật Hồi giáo Sharia sẽ được thực thi ở Afghanistan.
"Trong tương lai, tất cả các vấn đề về quản trị và cuộc sống ở Afghanistan sẽ được điều chỉnh bởi luật Sharia", tuyên bố của lãnh đạo phong trào Taliban Hibatullah Akhundzada cho biết.
Ông Akhundzada cho biết các nhà chức trách Afghanistan sẽ thực hiện các bước nghiêm túc để bảo vệ quyền con người và quyền của các nhóm thiểu số "trong khuôn khổ của Hồi giáo".
"Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan sẽ sử dụng tất cả nguồn lực của mình cho sức mạnh kinh tế, sự thịnh vượng và phát triển, bên cạnh việc tăng cường an ninh. Taliban sẽ quản lý nguồn thu nội địa một cách thích hợp và minh bạch, tạo cơ hội đặc biệt cho đầu tư quốc tế và các lĩnh vực thương mại khác nhau, đồng thời chống thất nghiệp một cách hiệu quả ", ông Akhundzada cho biết.
Theo ông Akhundzada, mục tiêu cuối cùng của các nhà chức trách Afghanistan mới sẽ là "đưa đất nước ổn định càng sớm càng tốt" và tái thiết đất nước. Afghanistan cũng cam kết tuân thủ tất cả các thỏa thuận quốc tế không trái với luật của đạo Hồi và các giá trị quốc gia.
"Chúng tôi muốn có mối quan hệ bền vững và ổn định với các nước láng giềng và các quốc gia khác dựa trên sự tôn trọng và tương tác. Quan hệ của chúng tôi với các quốc gia này sẽ dựa trên lợi ích và quyền lợi của Afghanistan. Chúng tôi cam kết tuân thủ tất cả các luật và thỏa thuận quốc tế, các nghị quyết và nghĩa vụ không mâu thuẫn với luật Hồi giáo và các giá trị quốc gia", tuyên bố nhấn mạnh.
Theo ông Akhundzada, các nhà ngoại giao, đại sứ quán, lãnh sự quán, tổ chức nhân đạo và nhà đầu tư ở Afghanistan sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì và có thể an toàn làm việc tại nước này.
Trong buổi họp báo công bố nội các hôm 7/9, người phát ngôn Taliban không nhắc tới lãnh đạo tối cao Taliban Haibatullah Akhundzada, người chưa từng xuất hiện công khai kể từ khi trở thành người đứng đầu nhóm vũ trang năm 2016.
Theo Dân trí