Tin tức kinh tế ngày 31/8: Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 2.750 tỷ đồng
(PetroTimes) - Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 2.750 tỷ đồng; Tiền gửi ngân hàng thấp nhất trong vòng 1 thập niên; Trái phiếu doanh nghiệp thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư; Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường hơn 127.000 tỷ đồng trong tháng 7 và 8; Ngân sách thặng dư 83 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm... là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 31/8.
Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 2.750 tỷ đồng
Vietnam Airlines rơi vào thua lỗ triền miên và rất khó khăn. Lỗ lũy kế đến hết tháng 6 đã vượt 17.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 2.750 tỷ đồng. |
Với tình hình thua lỗ triền miên, đến thời điểm 30/6, hãng hàng không quốc gia đã chính thức âm vốn chủ sở hữu. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines tại thời điểm nói trên âm 2.750 tỷ đồng (con số này hồi đầu năm vẫn còn là con số dương, đạt 6.072 tỷ đồng). Lỗ lũy kế tại ngày 30/6 đã lên tới 17.771 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, áp lực thanh khoản của Vietnam Airlines cũng tăng lên đáng kể khi nợ ngắn hạn ngày càng vượt xa giá trị tài sản ngắn hạn (nợ ngắn hạn gấp 5 lần tài sản ngắn hạn). Cụ thể, tại ngày 30/6, tổng giá trị tài sản ngắn hạn của Vietnam Airlines là 8.199 tỷ đồng còn nợ ngắn hạn đã là 42.826 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của Vietnam Airlines đã tăng hơn 10.000 tỷ đồng chỉ sau 6 tháng.
Tiền gửi ngân hàng thấp nhất trong vòng 1 thập niên
Dữ liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính chung nửa đầu năm, người dân đã gửi ròng thêm khoảng 151.200 tỷ đồng vào các ngân hàng. Trong khi đó, tiền gửi của nhóm khách hàng tổ chức, doanh nghiệp là gần 233.200 tỷ đồng.
Tính riêng tháng 6, lượng tiền gửi của người dân vào các ngân hàng đã tăng ròng trên 17.350 tỷ đồng, tương ứng tăng 0,32% so với tháng 5. Còn lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế, doanh nghiệp tăng thêm trong tháng 6 là trên 74.200 tỷ đồng, tăng 1,47% so với tháng liền trước và là tháng tăng ròng cao thứ 2 từ đầu năm (chỉ sau mức tăng gần 203.000 tỷ đồng hồi tháng 3). Dù số liệu cho thấy người dân gửi nhiều tiền hơn vào ngân hàng tính từ tháng 7/2020 đến cuối tháng 6 năm nay nhưng mức này lại thấp nhất so với cùng kỳ trong gần một thập niên trở lại đây. Con số này của cùng kỳ năm 2019 và 2020 lần lượt là 348.400 tỷ và 245.850 tỷ đồng.
Giá vàng giảm nhẹ
Ghi nhận vào đầu giờ ngày 31/8, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.810,35 USD/Ounce, giảm khoảng 9 USD so với cùng thời điểm ngày 30/8.
So với đầu năm 2021, giá vàng thế giới đã giảm khoảng 191 USD. Quy theo giá USD ngân hàng, chưa tính thuế và phí, giá vàng thế giới giao ngay có giá 50,28 triệu đồng/lượng, thấp hơn khoảng 7,02 triệu đồng/lượng so với giá vàng SJC trong nước. Tại thị trường trong nước, tính tới 14h30' ngày 31/8, giá vàng miếng trong nước được Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji và SJC niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: Doji Hà Nội: 56,50 triệu đồng/lượng - 57,50 triệu đồng/lượng; Doji TP HCM: 56,50 triệu đồng/lượng - 57,50 triệu đồng/lượng; SJC Hà Nội: 56,70 triệu đồng/lượng - 57,42 triệu đồng/lượng; SJC TP HCM: 56,40 triệu đồng/lượng - 57,40 triệu đồng/lượng
Trái phiếu doanh nghiệp thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư
Số liệu thống kê cho thấy, bất chấp diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, tháng 7/2021, vẫn có 53 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (tất cả là phát hành riêng lẻ) với số tiền phát hành là 38.905 tỷ đồng và một đợt phát hành ra thị trường quốc tế của NovaLand thu về 300 triệu USD. Trong đó, các ngân hàng là tổ chức phát hành lớn nhất với lượng phát hành 22.968 tỷ đồng, tương ứng 59% tổng lượng phát hành trong tháng 7/2021.
Tính chung 7 tháng đầu năm, có tổng cộng 364 trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp trong nước đã được phát hành với tổng giá trị là 225.509 tỷ đồng. Chỉ có 13 trái phiếu được phát hành ra công chúng (giá trị 9.584 tỷ đồng) và 3 trái phiếu được phát hành ra thị trường quốc tế với tổng số tiền huy động được là 1 tỷ USD.
Ngân hàng Nhà nước bơm ra thị trường hơn 127.000 tỷ đồng trong tháng 7 và 8
Tính theo tỷ giá mua 23.125 đồng/USD, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra thị trường hơn 127.000 tỷ đồng (tương đương 5,5 tỷ USD) trong giai đoạn tháng 7-8, thấp hơn mức dự kiến ban đầu là gần 162.000 tỷ đồng (tương ứng 7 tỷ USD)...
Số liệu được Công ty Chứng khoán SSI ghi tại bản báo cáo thị trường tiền tệ trái phiếu gần nhất cho thấy, trong tuần cuối cùng của tháng 8, kênh giao dịch thị trường mở (OMO) tiếp tục không phát sinh giao dịch. Trong khi đó, các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng đã kết thúc với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD, thấp hơn so với lượng đăng ký do có một số hợp đồng bị huỷ ngang. Tương đương, trong 2 tháng vừa qua (tháng 7 và tháng 8), thị trường đã đón nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ.
Ngân sách thặng dư 83 nghìn tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng thu ngân sách Nhà nước 15 ngày đầu tháng 8/2021 ước tính đạt 21,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2021 đạt 947,1 nghìn tỷ đồng, bằng 70,5% dự toán năm. Ở chiều chi ngân sách, chi 15 ngày tháng 8/2021 ước tính đạt 53,6 nghìn tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2021 đạt 864,1 nghìn tỷ đồng, bằng 51,2% dự toán năm.
Trong đó, chi thường xuyên đạt 614,7 nghìn tỷ đồng, bằng 59,3%; chi đầu tư phát triển 177,6 nghìn tỷ đồng, bằng 37,2%; chi trả nợ lãi 67,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,2%. Như vậy, ngân sách vẫn duy trì thặng dư khoảng 83 nghìn tỷ đồng sau 8 tháng 2021.
M.C