Nguy cơ tiềm ẩn trong các mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng đột biến
(PetroTimes) - Trong 7 tháng qua, Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD, trong đó các mặt hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu đã đạt 12,2 tỉ USD, tăng hơn 42% so với năm ngoái. Đặc biệt đáng quan ngại là phế liệu sắt thép (126%), đá quý và kim loại quý (85,5%)... đang ảnh hưởng rộng tới thị trường trong nước.
Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), 7 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn tăng rất mạnh, tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này đã lên tới 12,2 tỷ USD, tăng tới 42,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong tháng 7 ước đạt 53,5 tỷ USD. |
Việc nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu vẫn tăng cao đã góp thêm vào mức tăng của thâm hụt thương mại hàng hóa trong 7 tháng với mức nhập siêu lên tới 2,7 tỷ USD (trong khi cùng năm 2020 cả nước xuất siêu 8,69 tỷ USD).
Ngoài nhóm hàng kể trên, trong 7 tháng qua, nhóm hàng cần nhập khẩu là các loại máy móc, nguyên phụ liệu cho các ngành xuất khẩu chủ lực cũng tăng rất mạnh so với cùng kỳ. Trong đó, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 20,3%, máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 36,8%; thép các loại tăng 41,7%; nguyên phụ liệu dệt may, da giày tăng 33,8%; vải các loại tăng 32,9%; bông các loại tăng 27,3%; xăng dầu các loại tăng 17,1%...
Nguyên nhân khiến nhập siêu gia tăng còn đến từ việc tăng nhập của nhiều mặt hàng vẫn trong danh mục “Cần nhập khẩu” do trong nước chưa sản xuất được hoặc sản xuất chưa đủ sản lượng. Cùng với đó, nhóm hàng này tăng mạnh về giá trong thời gian qua trên thị trường toàn cầu khiến giá trị nhập khẩu càng tăng mạnh.
Từ cuối năm 2020 đến nay, giá nhiều loại nguyên liệu nhập khẩu đã tăng từ 30-50% so với cùng kỳ (tăng cao nhất là mặt hàng thép, nguyên liệu sắt thép, thức ăn chăn nuôi...) đã khiến hiệu quả của nhiều ngành sản xuất đã giảm xuống rất thấp.
Đơn cử như mặt hàng thức ăn chăn nuôi, thông tin từ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết, do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao dẫn đến khoảng 45-50% trang trại gia cầm lớn đã phải “treo chuồng” và 70-75% gia trại, hộ chăn nuôi tạm ngừng tái đàn.
Hiện nay, trong sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp, nguyên liệu thường chiếm 80-85% giá thành. Bởi vậy, giá thức ăn chăn nuôi dễ bị tác động dây chuyền khi nguồn cung nguyên liệu có biến động, dẫn đến rủi ro cao và sản phẩm chăn nuôi trở nên đắt đỏ, khó có thể cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu.
Ngay tại thời điểm này, một số nhà máy đã thông báo điều chỉnh giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm do tiếp tục chịu tác động dây chuyền từ giá nguyên liệu nhập về tăng cao, cộng với cước vận chuyển tăng do khan hiếm container.
Nguy cơ tiềm ẩn trong các mặt hàng nhập khẩu có giá trị tăng đột biến |
Với mặt hàng điều, trong khi nhập khẩu tăng chóng mặt, thì xuất khẩu điều chỉ tăng 14%, trị giá 1,971 tỷ USD, dẫn tới nhập siêu ngành điều sau 7 tháng đã trên 1 tỷ USD. Cần lưu ý rằng, năm 2020, xuất khẩu điều giảm nhẹ 2,3%, đạt gần 3,2 tỷ USD, nhập khẩu toàn ngành điều gần 1,5 triệu tấn, trị giá 1,8 tỷ USD.
Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Việt Nam là nước xuất khẩu nhân điều lớn, song nguồn nguyên liệu trong nước không đủ và chất lượng chưa cao. Do vậy, nhiều năm nay doanh nghiệp đều phải nhập khẩu.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc gia tăng nhập khẩu điều thô đang đẩy giá điều tươi trong nước xuống thấp. Do đó, Bộ NN&PTNT khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu bài bản, nâng cao năng lực chế biến.
Có thể thấy rằng, sự phụ thuộc nguyên liệu của quá nhiều ngành xuất khẩu chủ lực từ nước ngoài đã đặt các doanh nghiệp trước những rủi ro rất lớn như giá đầu vào tăng quá nhanh khiến lãi giảm mạnh, khó kiểm soát. Đặc biệt, một số ngành nông lâm thủy sản, nếu kiểm soát xuất xứ hàng hóa nhập khẩu không chặt chẽ sẽ dẫn đến hàng xuất khẩu bị các quốc gia nhập khẩu điều tra, ác tắc và có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
7 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát đạt 12,2 tỷ USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm 2020. |
Tùng Dương