Biển Đông rất căng, đủ lực lượng góp mặt mà Việt Nam chưa trang bị đáng kể
Chính phủ đề xuất các dự án trọng điểm đầu tư 5 năm tới, trong đó có tuyến đường ven biển. Các đại biểu Quốc hội nêu ý kiến rất khác nhau về nội dung này.
Tại phiên thảo luận tổ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2015 sáng 24/7, đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội cho biết, đã 2 khóa tham gia Quốc hội ông thấy gần như năm nào Quốc hội cũng xem xét việc giải ngân vốn đầu tư công nhưng vấn đề chậm tiến độ vẫn không cải thiện.
"Chúng tôi biết Chính phủ đã rất cố gắng nhưng sao kết quả vẫn không khả quan, thành ra luôn kêu thiếu tiền nhưng khi có tiền lại không tiêu được. Phải chăng đó là do cách lập kế hoạch, cách tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện có vấn đề?" - ông Tiến đặt vấn đề.
Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến là đại biểu tỉnh Tây Ninh. |
Băn khoăn khác của đại biểu, UB Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã có nhiều cuộc giám sát về vấn đề này, sau đó đều có kiến nghị, giải pháp khắc phục tồn tại nhưng báo cáo giám sát không có chế tài điều chỉnh. Các đại biểu đi giám sát về xong thấy đau lòng vì cảnh công trình dở dang khắp nơi, lãng phí lớn khi không đưa vào khai thác, sử dụng được mà tiền thì cứ đọng trong ngân khố, không tiêu được.
Ông Tiến bày tỏ cảm giác mỗi lần bỏ phiếu thông qua kế hoạch giải ngân vốn "chỉ như làm việc đã rồi, làm cho xong khi đến kỳ đến hạn phải làm thôi".
Góp ý về kế hoạch đầu tư công 5 năm tới (2021-2025), Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại cho rằng, xét về thực tế, một trong những vấn đề căng thẳng hiện nay là Biển Đông. "Tình hình ngoài biển đảo của chúng ta đang rất khó khăn, mặt biển không lặng sóng với sự tham gia của đủ các lực lượng, đủ loại phương tiện của các nước trong khi Việt Nam lại chưa trang bị được bao nhiêu cho lực lượng chức năng của mình" - ông Tiến nói.
Dẫn lại chiến lược biển theo Nghị quyết 36 đã được Bộ Chính trị thông qua, đại biểu thắc mắc, 51 đề án nhưng việc bố trí vốn thì chưa thấy. Đại biểu kiến nghị, dự kiến đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển nên được xem là một dự án mục tiêu của chiến lược. Ý nghĩa của 1.700km từ Quảng Ninh đến Kiên Giang, theo ông, không chỉ ở khía cạnh kinh tế mà còn là tuyến giao thông phục vụ quốc phòng, đảm bảo an ninh biển.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai - Phó Chủ nhiệm UB xã hội chia sẻ tâm tư của người đồng cấp Nguyễn Mạnh Tiến về việc giải ngân vốn đầu tư công chậm, nợ đọng đã được đề cập nhiều năm qua nay vẫn không cải thiện. Đại biểu muốn Chính phủ có những giải trình thỏa đáng về việc này.
Về kế hoạch bố trí vốn giai đoạn mới, ông Mai lại nêu khuyến nghị khác Phó Chủ nhiệm UB Đối ngoại. Ông không ủng hộ việc rót tiền đầu tư tuyến đường ven biển với chiều dài 1.700 km, làm đến năm 2025. Ông Mai phân tích, những vấn đề của khu vực duyên hải, ven biển hiện tại thì chuyện ứng phó với thiên tai, chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn từ biển bức thiết, quan trọng hơn việc xây dựng đường chạy ven biển.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hoàng Mai là Phó Chủ nhiệm UB Xã hội. |
Đại biểu cho rằng, về hạ tầng giao thông chạy dọc chiều dài đất nước, hiện Việt Nam có dự án làm tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến phía Tây, rồi có đường Hồ Chí Minh và tuyến Quốc lộ 1 đang vận hành. Vấn đề cần thiết chỉ là làm hệ thống đường xương cá kết nối các tuyến đường này để khai thác cho hiệu quả. Số tiền làm đường ven biển nên chuyển sang đầu tư các dự án đê, kè biển, công trình để chống xâm ngập mặn ở ĐBSCL sẽ thiết thực hơn.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế thì cho rằng, việc thực hiện các kế hoạch đầu tư công trước đây đúng là có nhiều trì trệ, vướng mắc. Tuy nhiên, khi có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội, cuối giai đoạn 5 năm vừa qua, tình hình đã khả quan hơn. Năm 2020, tỷ lệ giải ngân vốn đạt hơn 90%, nhiều dự án đã được hoàn thành, đóng góp tích cực cho mục tiêu phát triển kinh tế.
Ông Sơn dẫn chứng, ngay trong tuần này, Thủ tướng vừa lập tổ công tác đi thúc đẩy việc giải ngân vốn do Bộ trưởng Kế hoạch - Đầu tư chủ trì. Nhìn ở khía cạnh khác, đại biểu băn khoăn về việc năm nào Thủ tướng cũng phải tập tổ công tác để đi rà soát, đốc thúc như thế thì việc mới trôi. Đại biểu cho rằng, cần xác định căn cơ những điểm vướng mắc để giai đoạn 5 năm tới không còn tình trạng năm nào cũng phải có tổ đốc thúc giải ngân vốn đầu tư như vậy nữa.
Về những công trình trọng điểm quốc gia được dự kiến đầu tư như cao tốc Bắc Nam, đường ven biển, ông Sơn ủng hộ chủ trương đầu tư, chỉ bày tỏ lo lắng về nguồn lực để có thể triển khai cùng lúc các dự án này.
Theo Dân trí