"Vũ khí" giúp Đông Nam Á chống chọi "quái vật" Delta
Đông Nam Á đang đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin để kiểm soát sự bùng phát của đợt dịch Covid-19 do sự xuất hiện của biến thể Delta.
Khoảng 12% trong tổng số 32 triệu dân của Malaysia đã được tiêm chủng đầy đủ (Ảnh minh họa: Reuters). |
Tương tự Indonesia và Thái Lan, các nước còn lại ở Đông Nam Á cũng đang chạy đua với thời gian để đạt được tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, khi làn sóng Covid-19 mới đang tàn phá khu vực với hơn 650 triệu dân này.
Đông Nam Á đang được xem là tâm dịch Covid-19 tại châu Á, khi biến thể Delta càn quét khiến số ca nhiễm và tử vong tại nhiều nước liên tục lập kỷ lục. Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, cho đến nay đã lan ra hơn 100 quốc gia và được xem là chủng virus "nguy hiểm nhất thế giới".
Malaysia đang phải vật lộn với số ca nhiễm cao kỷ lục bất chấp lệnh phong tỏa bắt đầu từ ngày 1/6. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, số ca nhiễm tại Malaysia có thể lên tới gần 20.000 người mỗi ngày trong 2 tuần tới.
Chính phủ Malaysia đã tăng cường các biện pháp để tiêm vắc xin Covid-19 cho người dân, bằng cách mở các điểm tiêm chủng quy mô lớn và triển khai xe tải tiêm chủng.
Khoảng 12% trong số 32 triệu dân Malaysia cho đến nay được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 26% đã tiêm liều đầu tiên. Thủ tướng Muhyiddin Yassin tự tin rằng Malaysia có thể đạt được miễn dịch cộng đồng vào cuối năm nay.
Tại Philippines, những khó khăn trong việc sắp xếp lịch trình, cũng như tâm lý do dự của người dân và tình trạng thiếu vắc xin, đã khiến chiến dịch tiêm chủng bắt đầu từ tháng 3 trở nên khó khăn. Tổng thống Rodrigo Duterte thậm chí còn đưa ra cảnh báo cứng rắn đối với những người chần chừ tiêm vắc xin.
Tuy nhiên, tâm lý của người dân Philippines về việc tiêm chủng đã thay đổi trong vài tháng qua. Một cuộc khảo sát của Pulse Asia cho thấy, số người Philippines sẵn sàng tiêm chủng đã tăng lên 43% vào tháng trước, trong khi hồi tháng 2 tỷ lệ này chỉ là 16%. Sự gia tăng này do người dân giảm bớt tâm lý lo ngại về tính an toàn của vắc xin. Ít nhất 3,2% trong số 109 triệu dân Philippines được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 8,9% đã tiêm liều đầu tiên.
Campuchia, với dân số hơn 15 triệu người, đã huy động quân đội để tiêm chủng cho người dân. Campuchia đã hoàn tất việc tiêm chủng cho 99% trong số 2,12 triệu người trưởng thành ở thủ đô Phnom Penh trước ngày 8/7. Hiện Campuchia tiến hành tiêm chủng cho những người bên ngoài thủ đô.
Lào đang áp lệnh phong tỏa cho đến ngày 19/7, sau khi nhiều người lao động trở về từ Thái Lan bị phát hiện nhiễm biến thể Delta. Lào cũng tăng cường chiến dịch tiêm chủng, với hơn 600.000 trong số hơn 7 triệu dân đã được tiêm chủng đầy đủ tính đến thời điểm hiện tại. Lào đặt mục tiêu tiêm chủng cho 50% người dân trước cuối năm nay.
Trong khi các quốc gia khác đang tăng cường chiến dịch tiêm chủng, Myanmar dường như đứng ngoài cuộc. Myanmar đang chứng kiến tình trạng bất ổn dân sự, làm tê liệt hệ thống y tế vốn đã căng thẳng của nước này.
Vài ngày trước cuộc đảo chính hôm 1/2, Myanmar đã bắt đầu một trong những chiến dịch tiêm chủng đầu tiên của khu vực, tập trung vào vắc xin AstraZeneca. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị đình trệ kể từ đó trong bối cảnh người dân không tin tưởng chính phủ quân sự.
Một "điểm sáng" ở Đông Nam Á là Singapore, nơi hơn 40% người dân được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, Singapore đang ghi nhận số ca nhiễm ngày càng tăng liên quan đến các quán karaoke và hộp đêm - những ổ dịch lớn nhất của Singapore, ngoài các khu nhà ở của người lao động nhập cư.
Theo Dân trí