Tôn lạnh Việt Nam xuất khẩu vào Indonexi "thoát" trừng phạt phá giá
(PetroTimes) - Mặt hàng tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào Indonexia sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá mà theo cáo buộc có thể lên đến 49,2%.
Thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại (PVTM) – Bộ Công Thương, đơn vị vừa nhận được thông báo chính thức của Đại sứ quán Indonexia về việc Chính phủ Indonexia đã quyết định dừng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG) đối với một số sản phẩm thép mạ hợp kim nhôm kẽm (tên gọi thông thường là tôn lạnh) có xuất xứ hoặc nhập khẩu từ Việt Nam. Với quyết định này, mặt hàng tôn lạnh có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào Indonexia sẽ không phải chịu thuế chống bán phá giá mà theo cáo buộc có thể lên đến 49,2%.
Thép mạ hợp kim nhôm kẽm - tôn lạnh Việt nam có giá trị xuất khẩu vào Indonexia khoảng 290 triệu USD/năm. |
Vụ việc được Ủy ban Chống bán phá giá Indonexia (KADI) khởi xướng điều tra từ ngày 26 tháng 8 năm 2019 và hoàn thành điều tra vào tháng 2 năm 2021. Theo số liệu do cơ quan điều tra Indonexia thu thập, trong giai đoạn điều tra, tổng lượng nhập khẩu mặt hàng tôn lạnh của Indonexia từ Việt Nam vào khoảng 365 ngàn tấn, tương đương với kim ngạch khoảng 290 triệu USD/năm.
Đây là kết quả tích cực đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sau gần 2 năm hợp tác và cung cấp đầy đủ thông tin theo yêu cầu của cơ quan điều tra Indonexia.
Trong quá trình Indonexia tiến hành điều tra, Bộ Công Thương đã theo dõi sát diễn biến vụ việc và hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam để bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp.
Bộ Công Thương và Cục Phòng vệ thương mại đã ba lần gửi thư tới Bộ Thương mại, Ủy ban Chống bán phá giá và một số cơ quan liên quan của Indonexia đề nghị Indonexia xem xét lại một số nội dung trong phương pháp tính toán, xác định biên độ phá giá chưa phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và thông lệ quốc tế. Bộ Công Thương cũng đã chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Indonexia tham dự các phiên điều trần công khai để bày tỏ ý kiến và hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam.
Kết quả có được cho thấy nếu như có sự tham gia của các doanh nghiệp và sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, công tác xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ đem lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các mặt hàng thép vẫn là nhóm mặt hàng có tính chất nhạy cảm, dễ bị các nước tiến hành điều tra phòng vệ thương mại. Vì vậy, trong thời gian tới, Cục PVTM sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội Thép Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan theo dõi những diễn biến mới phát sinh tại các thị trường xuất khẩu nói chung và thị trường Indonexia nói riêng để có biện pháp xử lý kịp thời.
Tùng Dương