HoREA kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong cải tạo chung cư cũ
(PetroTimes) - HoREA kiến nghị, cho phép áp dụng tỷ lệ 2/3 (hoặc 3⁄4, hoặc 80%) chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ là quyết định có hiệu lực để gỡ vướng trong cải tạo chung cư cũ...
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh vừa có Công văn số 52/2021/CV-HoREA góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2015/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Cụ thể, tại Điều 11, thực hiện phá dỡ nhà chung cư, HoREA đề nghị Chính phủ xem xét xử lý “vướng mắc” về quy định phải có 100% chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ nhà chung cư không phải nhà chung cư hư hỏng nặng nguy hiểm (cấp D). Tuy nhiên, điều này có thể không thực hiện được, do khoản 3 Điều 110 Luật Nhà ở 2014 quy định đối với trường hợp nhà chung cư cũ hư hỏng, không thuộc loại nhà chung cư hư hỏng nặng nguy hiểm (cấp D) phải “được tất cả (100%) các chủ sở hữu thống nhất phá dỡ để xây dựng lại nhà chung cư mới thông qua Hội nghị nhà chung cư”.
Do “vướng mắc” chủ yếu này, mà sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư, chỉ cần có 1 chủ sở hữu nhà chung cư có ý kiến không đồng ý phá dỡ nhà chung cư thì cũng không thực hiện được.
Chung cư cũ ở Hà Nội |
Trong lúc chưa sửa đổi Luật Nhà ở, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết cho phép áp dụng tỷ lệ 2/3 (hoặc 3⁄4, hoặc 80%) chủ sở hữu nhà chung cư đồng ý phá dỡ là quyết định có hiệu lực.
Chủ sở hữu nhà chung cư không đồng thuận vẫn được đảm bảo đầy đủ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng như các chủ sở hữu khác. Trường hợp không thực hiện bàn giao nhà thì sẽ bị cưỡng chế để phá dỡ nhà chung cư theo dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Một đề xuất đáng chú ý khác là tại Điều 15: Phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, HoREA cho rằng, trước đây khi bán hóa giá nhà chung cư thì Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tối đa để giảm giá căn hộ cho người mua nhà.
Theo đó, đã không tính giá trị phần công trình xây dựng phụ (hành lang, cầu thang, sân thượng...), hoặc đã không tính tiền sử dụng đất đối với phần đất nằm ngoài ranh giới xây dựng nhà chung cư, nên vừa qua đã có ý kiến cho rằng phần tài sản này vẫn thuộc sở hữu nhà nước. Hiệp hội cho rằng, Nhà nước không thể bán hóa giá một sản phẩm nhà ở là căn hộ không hoàn chỉnh (bán thành phẩm), nếu căn hộ đó không bao gồm phần công trình xây dựng phụ, trong đó có hành lang, cầu thang, sân thượng..., hoặc không bao gồm phần đất nằm ngoài ranh xây dựng nhà chung cư.
Do vậy, có thể coi giá trị phần công trình xây dựng (hành lang, cầu thang, sân thượng...), hoặc giá trị phần đất nằm ngoài ranh xây dựng nhà chung cư là phần giá trị mà Nhà nước đã “khuyến mãi, cho thêm” người mua nhà.
Hiệp hội được biết, hiện nay đã xuất hiện tư tưởng của một số cán bộ công chức lo ngại về trách nhiệm cá nhân có thể bị quy kết trách nhiệm làm thất thoát tài sản nhà nước, khi thụ lý giải quyết dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ có nguồn gốc do thực hiện bán hóa giá nhà trước đây, nếu không tính giá trị phần diện tích hành lang, cầu thang, sân thương, hoặc phần diện tích đất nằm ngoài ranh xây dựng nhà chung cư để thu hồi cho ngân sách nhà nước.
Nay, nếu tính giá trị phần công trình xây dựng phụ và phần diện tích đất ngoài ranh giới xây dựng nhà chung cư, như điểm c khoản 1 Điều 15 Dự thảo Nghị định 101 thì ngân sách nhà nước có thu thêm một khoản tiền, nhưng sẽ làm tăng chi phí đầu tư dự án xây dựng lại nhà chung cư, mà thực chất phần thiệt thòi sẽ thuộc về các chủ sở hữu nhà chung cư.
Do vậy, Hiệp hội đề nghị Chính phủ quy định thành nguyên tắc xử lý phần diện tích hành lang, cầu thang, sân thượng, hoặc phần diện tích đất nằm ngoài ranh giới xây dựng nhà chung cư (như trên), để cán bộ công chức yên tâm thực thi công vụ và tạo được sự đồng thuận của các chủ sở hữu nhà chung cư cũ. Chỉ tính riêng TP Hồ Chí Minh đã có đến 474 khu nhà chung cư, nhà tập thể được xây dựng trước năm 1975 và đã được bán hóa giá nhà.
Xuân Hinh