Không để tiềm năng của Việt Nam rơi vào một số nước khác
Phải nỗ lực, chung tay để sớm đưa được vắc xin về với người dân, nhất là những người có cường độ tiếp xúc cao. Từ đó, sớm đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường.
"Nếu để chậm việc vắc xin, phần nào đó sẽ khiến cho những tiềm năng có được của Việt Nam bị… thất thế. Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận như vậy. Tiềm năng của Việt Nam thành ra lại rơi vào một số nước khác".
Đó là tâm tư của Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tại phiên họp thứ 47 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra ngày 24/6. Ông Dung cho biết từ quý I đến nay đã có 9,1 triệu người Việt Nam bị tác động bởi dịch bệnh, trong đó 540.000 người đã rơi vào tình trạng mất việc và thiếu việc làm. 19,2% cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng trực tiếp; 21% hợp tác xã, liên doanh bị ảnh hưởng.
Đáng chú ý, có 60.000 người lao động trong các khu công nghiệp ở Bắc Giang, 40.000 lao động ở Bắc Ninh và 23.000 người lao động ở TPHCM, Bình Dương bị ảnh hưởng do dịch tấn công trực diện vào các khu công nghiệp, khu chế xuất. Có đến 5.840 công nhân đã trở thành F0, 37.496 công nhân là F1 và 5.900 doanh nghiệp đã phải rút khỏi thị trường.
Những con số này thực sự đáng lo ngại. Bởi doanh nghiệp là tế bào của nền kinh tế, còn mỗi công nhân cũng là trụ cột kinh tế của gia đình.
Tại khu vực dịch vụ, du lịch, thương mại và vận tải - những ngành nghề bị tác động lớn nhất bởi Covid-19, lực lượng lao động của khu vực này hiện đang khó khăn nhất. "Nếu không có giải pháp hỗ trợ, họ khó có thể trụ vững được, bởi nguồn tiết kiệm của họ đến giờ không còn nữa. Tôi xin nói thẳng như vậy", Bộ trưởng Dung thông tin.
Thiệt hại bằng số liệu cụ thể sẽ được cơ quan thống kê công bố ít ngày tới, nhưng còn "chi phí cơ hội" bị bỏ lỡ do Covid-19 thì có thể chưa đong đếm được. Trong khi các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc phục hồi sau khi tiêm vắc xin.
Số dự án FDI cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trong nửa đầu năm đã ước giảm trên 50%. Hay nói cách khác, chúng ta bỏ lỡ những cơ hội việc làm mới cho người dân, bỏ lỡ những cơ hội phát triển mới của nền kinh tế.
Và đúng như Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu: phòng dịch là cơ bản, nhưng giải pháp căn cơ, bền vững nhất vẫn phải là vắc xin. "Khi nào dân số cơ bản được tiêm vắc xin thì mới có miễn dịch cộng đồng, mới chung sống với dịch được. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, UB Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến, Chính phủ đang tập trung cao độ để vận động các nguồn lực cho việc tiêm vắc xin. Khả năng đến cuối năm nay tỷ lệ tiêm chủng Việt Nam đạt được cũng cơ bản" - Bộ trưởng LĐ-TB&XH nói.
Ngay gần chúng ta, tại Singapore, Chính phủ nước này cũng đang xây dựng một kế hoạch chi tiết để sống chung với Covid-19, xem nó như một bệnh thông thường, trong bối cảnh người dân ngày càng trở nên "quá mệt mỏi vì chiến đấu với dịch bệnh" sau 18 tháng đại dịch bùng phát.
Việc "sống chung" với Covid-19 ở đây bao gồm các mũi tiêm vắc xin nhắc lại mỗi năm và diễn ra trong nhiều năm như tiêm vắc xin ngừa virus cúm, thay đổi cách theo dõi các ca bệnh hàng ngày và mở cửa trở lại.
Thiết nghĩ, hướng đi này rất cần tham khảo và học hỏi. Mà muốn vậy, không còn cách nào khác là phải nỗ lực, chung tay để sớm đưa được vắc xin về với người dân, nhất là những người có cường độ tiếp xúc cao. Từ đó, sớm đưa cuộc sống trở lại nhịp độ bình thường.
Theo Dân trí