Các dự án kho cảng LNG có nguy cơ đổ bể vì thiếu tài chính
(PetroTimes) - Tổ chức Giám sát năng lượng toàn cầu (Global Energy Monitor - GEM) ngày 24/6 đã công bố kết quả cuộc khảo sát trên toàn thế giới về các dự án kho cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG). Trong đó nêu bật lo ngại về tài chính triển khai dự án.
Báo cáo “Mối lo tài chính: Cập nhật về các dự án kho cảng LNG toàn cầu năm 2021” của GEM cho biết cho dù đã có sự phục hồi sau Covid-19, vẫn có ít nhất 26 dự án kho cảng xuất khẩu LNG có tổng công suất 265 triệu tấn mỗi năm (MPTA) - chiếm 38% trong số 700 triệu tấn công suất xuất khẩu hàng năm đang được phát triển trên toàn thế giới đang bị chậm chễ trong việc ra quyết định đầu tư cuối cùng (FID) hoặc các gián đoạn quan trọng khác.
Dự án Kho cảng LNG Thị Vải - công trình nổi bật của PV GAS năm 2020 đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện. |
Trong đó, tuyên bố của tập đoàn Total về sự kiện bất khả kháng đối với kho cảng LNG Mozambique, sau một cuộc tấn công của quân nổi dậy, đã cho thấy rõ tính dễ bị tổn thương của các dự án kho cảng trị giá hàng chục tỷ USD.
Mặt khác, chi phí các dự án bị đội lên do tiến độ bị chậm trễ và tỷ lệ dừng hoạt động cao gây trở ngại cho lĩnh vực LNG, điều này càng trở nên trầm trọng hơn trong năm qua do gián đoạn lực lượng lao động liên quan đến đại dịch.
Từng được coi là một giải pháp khí hậu tiềm năng, đến nay lĩnh vực LNG ngày càng bị coi là một vấn đề khí hậu, đặc biệt là đối với các nhà nhập khẩu ở châu Âu. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), hoạt động mua bán LNG giữa các khu vực sẽ cần phải giảm nhanh chóng sau năm 2025 theo kịch bản không phát thải vào năm 2050.
Trên thế giới, chỉ có 1 dự án xuất khẩu LNG đạt chỉ tiêu FID trong năm qua, đó là kho cảng Costa Azul LNG ở Mexico. Trong khi đó, Bắc Mỹ chiếm 64% sản lượng xuất khẩu toàn cầu của các dự án đang xây dựng hoặc chuẩn bị xây dựng. Bắc Mỹ cũng có nhiều dự án gặp khó khăn nhất, với 11 trong số 26 kho cảng xuất khẩu LNG có báo cáo về chậm tiến độ FID hoặc gặp gián đoạn nghiêm trọng khác.
Ở khía cạnh khác, việc tích cực tăng cường sản lượng với chi phí sản xuất khí thấp ở Qatar và vùng Bắc Cực của Nga đã làm tăng rủi ro cho các nhà phát triển xuất khẩu LNG của Hoa Kỳ.
Lydia Plante, tác giả chính của báo cáo cho biết: “LNG được quảng bá cho các nhà hoạch định chính sách và cho các nhà đầu tư như một ván cược về loại năng lượng sạch, an toàn và đảm bảo. Hiện nay, tất cả đã chuyển thành những món nợ phải trả. Quy mô khổng lồ của các dự án đã khiến các nhà đầu tư phải gánh chịu tổn thất nặng nề. Và các kịch bản hướng đến năm 2050 của IEA gần đây cho thấy LNG không còn chỗ đứng trong một tương lai sử dụng năng lượng an toàn với khí hậu. Ngành công nghiệp này đã mất đi hào quang về mục tiêu khí hậu và câu hỏi duy nhất là liệu chính quyền Biden có lãng phí nguồn vốn chính trị quý giá để hỗ trợ các dự án tốn kém và có nguy cơ thua lỗ hay không”.
Cảng LNG của Lithuania ở Klaipeda |
Còn ông Ted Nace, Giám đốc Điều hành của GEM, cho biết: “Những ai đã quen với việc coi cơ sở hạ tầng là một khoản đầu tư "an toàn" có thể sẽ gặp khó khăn với các dự án kho cảng LNG. Cơ hội để xây dựng thêm công suất xuất khẩu đang ngày càng hẹp lại và các dự án ở Bắc Mỹ đã bị bỏ lại phía sau vì một số lý do. Các dự án này bị bên mua hàng, nhất là các khách hàng ở châu Âu, coi là gây ô nhiễm quá nhiều do chúng phụ thuộc vào khí đá phiến. Thêm vào đó, Qatar và Nga đều có thể tiếp cận được với nguồn khí giá rẻ hơn và họ sẽ không từ bỏ thị phần".
Trong số các dự án đang trong quá trình xây dựng và tiền xây dựng cảng LNG có 32% là ở Trung Quốc, 11% ở Ấn Độ và 7% là ở Thái Lan. Bên ngoài châu Á, Brazil là một điểm nóng với 13 kho cảng nhập khẩu LNG đang trong quá trình xây dựng hoặc tiền xây dựng. |
Tùng Dương