Xây tổ cho "đại bàng" và bài học nhìn từ nền kinh tế các nước
Chỉ khi doanh nghiệp nội phát triển mạnh cùng đầu tư FDI dồi dào thì nền kinh tế mới có thể vững vàng "đi bằng hai chân".
Nhật Bản: Tự lực và phép màu kinh tế hậu Thế chiến
Một ví dụ điển hình của việc tự lực kinh tế, biến doanh nghiệp nội thành "động cơ" của nền kinh tế là Nhật Bản.
Phục hồi từ đống đổ nát của Thế chiến II, chính phủ Nhật Bản năm 1955 lần đầu ban hành kế hoạch có tên "Economic Self-reliance Five Year Plan" (tạm dịch: Kế hoạch tự lực kinh tế 5 năm), tạo tiền đề để nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng hàng năm 10% cho đến tận khi cuộc khủng hoảng dầu mỏ nổ ra năm 1973.
Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo (Ảnh: Bloomberg). |
Nền tảng của thành tựu rực rỡ này là chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp trong nước của chính phủ, giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu để hướng tới độc lập trong sản xuất. Các chính sách tự chủ trong thập niên 50 và 60 của chính phủ Nhật Bản được phân thành 3 nhóm: Hạn chế nhập khẩu các mặt hàng chế tạo, hỗ trợ doanh nghiệp nội bằng các biện pháp bảo hộ và thúc đẩy chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến.
Bộ Công nghiệp và Thương mại Quốc tế (MITI) của Nhật Bản đã nỗ lực thúc đẩy sản xuất trong nước ở mọi ngành sản xuất nhằm tăng tính tự lực của toàn ngành công nghiệp. Trong những năm 1950, các nhà sản xuất thiết bị trong nước chưa thể sản xuất thiết bị cho các nhà máy điện lớn, buộc chính phủ nhập khẩu từ Westinghouse và General Electric. Nhưng sau đó, các doanh nghiệp nội địa buộc phải tự lực sản xuất và hoàn thiện các nhà máy tiếp theo thông qua việc tiếp thu bí quyết từ cả hai nhà sản xuất nước ngoài.
Năm 1960, bộ này quyết định ưu tiên phát triển ngành công nghiệp máy tính ở Nhật Bản với sự bảo hộ mạnh mẽ, hạn chế nhập khẩu. Các nhà chức trách tăng cường tuyên truyền, thuyết phục doanh nghiệp và người tiêu dùng nội địa sử dụng thương hiệu máy tính Nhật Bản. Các cơ quan chính phủ cũng chuyển sang sử dụng sản phẩm nội địa. Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ trợ cấp cho đến ưu tiên công nghệ được áp dụng trong nỗ lực "chắp cánh" cho ngành sản xuất máy tính trong nước.
Nhờ thúc đẩy tự lực sản xuất, năng suất lao động tính trên cơ sở giá trị gia tăng của ngành sản xuất thép và ô tô tại Nhật Bản đã vượt mặt Mỹ vào khoảng năm 1970-1980, theo Trung tâm năng suất Nhật Bản. Điều này nghĩa là tại thời điểm đó, công nghệ Nhật Bản đã bắt kịp công nghệ của Mỹ và vượt qua châu Âu dù nước này phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ Thế chiến II.
Công nhân lắp ráp điều hòa tại nhà máy Daikin, tỉnh Shiga, Nhật Bản (Ảnh: Bloomberg). |
Giai đoạn 1960-1980 là thời điểm Nhật Bản đạt đến tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục nhờ vào tỷ lệ đầu tư công nghệ cao, chính sách tiếp cận công nghệ tiên tiến ngày càng mở, năng lực lao động ngày càng nâng cao và quan trọng hơn là thị trường nội địa rộng lớn với người tiêu dùng giàu có và có ý thức sử dụng hàng nội địa.
Như vậy, nhờ các chính sách tự lực kinh tế, Nhật Bản trở thành một trong những quốc gia châu Á đầu tiên leo lên đứng đầu chuỗi giá trị từ các ngành hàng dệt may giá rẻ đến các ngành sản xuất tiên tiến bậc nhất thế giới như thiết bị điện và điện tử, ô tô, tàu thủy, thiết bị quang học, máy móc, hóa chất… Ngành dịch vụ, bao gồm dịch vụ tài chính của Nhật Bản cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo hiện là một trong những trung tâm giao dịch chứng khoán - tài chính hàng đầu thế giới bên cạnh các sàn như New York, London, Hồng Kông và Thượng Hải.
FDI không phải "thuốc tiên" cho nền kinh tế
Trong một tài liệu 5 năm trước xuất bản bởi Ngân hàng Thế giới (World Bank), các nhà nghiên cứu của tổ chức này viết: "Chúng tôi thường nhận được một câu hỏi quen thuộc của các nhà hoạch định chính sách ở các nền kinh tế đang phát triển, rằng họ nên tập trung nỗ lực vào nguồn lực đầu tư trong nước hay đầu tư nước ngoài. Câu trả lời của chúng tôi là: Họ không cần phải chọn. Để phát triển và đa dạng hóa, nền kinh tế cần đi bằng cả hai chân là đầu tư nội và FDI. Hai hình thức đầu tư có sự bổ sung và mối quan hệ mật thiết với nhau".
Lợi ích từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã được xác nhận từ lâu. Một bài báo của các chuyên gia kinh tế trường đại học Harvard xuất bản cách đây hơn 3 thập kỷ đã tóm lược các lợi ích do FDI mang lại như tạo thêm việc làm cho thị trường lao động, thúc đẩy chuyển giao công nghệ và kỹ năng (bao gồm cả phương thức quản lý và kinh doanh hiện đại), thúc đẩy khả năng tiếp cận thị trường toàn cầu và các nguồn tài chính quốc tế.
Tất nhiên, doanh nghiệp nội mới là lực lượng thường đóng vai trò chủ chốt trong việc tạo công ăn việc làm cho nền kinh tế chủ nhà. Lợi ích lớn của FDI là tăng cường hoặc tối đa hóa lợi ích được tạo ra từ các khoản đầu tư trong nước.
Chẳng hạn, doanh nghiệp FDI không tạo ra nhiều việc làm như khu vực doanh nghiệp tư nhân nội địa, nhưng số việc làm được tạo ra thường đòi hỏi kỹ năng cao hơn tương đương với mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn. Vô hình chung, điều này giúp nâng cao trình độ lao động ở nền kinh tế chủ nhà. Hơn nữa, thông qua quan hệ đối tác với các nhà đầu tư nước ngoài đã có sẵn các kênh phân phối và các thỏa thuận thương mại trên khắp thế giới, doanh nghiệp nội có thể hưởng lợi nhờ khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn.
Nhưng phải khẳng định FDI không phải "thuốc tiên" cho nền kinh tế. Cũng có những dự án FDI thất bại, những doanh nghiệp FDI bị chỉ trích vì cạnh tranh không lành mạnh, gian lận thuế hoặc gây ra hệ quả môi trường. Bản thân doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nội không có tính tốt hay xấu, nó có thể có lợi hoặc gây bất lợi cho sự phát triển tùy thuộc vào chính sách quản lý và điều tiết của chính phủ.
Nhà máy sản xuất ô tô tại Thanh Châu, Trung Quốc (Ảnh: Getty). |
Trung Quốc là một ví dụ điển hình cho một nền kinh tế công nghiệp "cất cánh" nhờ FDI. Bắc Kinh được nhận định là đã tận dụng khéo léo dòng vốn FDI hướng nội, chào đón các doanh nghiệp FDI tiến vào thị trường nội địa trong những lĩnh vực nhất định với chiến lược riêng.
Ban đầu, Trung Quốc hướng doanh nghiệp FDI tiến vào các ngành công nghiệp nhẹ (chẳng hạn dệt may, đồ chơi…), sau đó tiến dần đến các ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn (hàng hóa điện tử, ô tô…). Trong khi nhiều quốc gia tìm cách hạn chế số doanh nghiệp FDI tham gia vào liên doanh sản xuất, Trung Quốc gần như là quốc gia duy nhất trên toàn cầu yêu cầu tỷ lệ sở hữu vốn nước ngoài trong liên doanh tối thiểu 25% để đảm bảo trách nhiệm của các nhà đầu tư quốc tế.
Nhờ những chính sách mở cửa cùng động lực từ thị trường sản xuất - tiêu thụ tỷ dân, Trung Quốc đã tận dụng FDI như một "cỗ máy tăng tốc" tuyệt vời để phát triển kinh tế, hoàn thành các mục tiêu quốc gia, đồng thời bắt kịp nhiều nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Một nhà máy ở Trung Quốc bận rộn khi nước này hồi phục từ đại dịch (Ảnh: AFP). |
Tuy nhiên, doanh nghiệp nội là động lực to lớn khác của nền kinh tế Trung Quốc. Không chỉ tìm cách thu hút vốn FDI hướng nội vào thị trường trong nước, Trung Quốc còn cố gắng tận dụng tiềm năng từ dòng vốn FDI hướng ngoại, tức là khoản đầu tư của các doanh nghiệp nội địa mới nổi ở trong nước ra nước ngoài, để tăng cường khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến cũng như tài nguyên thiên nhiên thông qua hàng loạt thương vụ sáp nhập và mua lại.
Nhìn chung, có nhiều nền kinh tế đang phát triển đã khai thác được tiềm năng từ FDI hướng nội để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng chỉ có rất ít quốc gia tận dụng được tiềm năng FDI hướng ngoại như Trung Quốc và một số nền kinh tế mới nổi khác (Nga, Ấn Độ, Brazil) nhờ vào các doanh nghiệp nội có khả năng cạnh tranh quốc tế to lớn.
Theo Dân trí