Bà Rịa - Vũng Tàu: Thống nhất di dời Tượng đài Dầu khí
(PetroTimes) - Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa làm việc với Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, thống nhất phương án di dời công trình Tượng đài Dầu khí để triển khai dự án xây hầm chui tại nút giao này.
Tượng đài Dầu khí tại nút giao đường 2/9 và đường Nguyễn An Ninh, phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu. |
Việc di dời công trình Tượng đài Dầu khí đến khu vực công viên tam giác Ẹo Ông Từ (phường 12, TP Vũng Tàu) là một trong các hạng mục của dự án xây hầm chui tại nút giao đường 2/9 và đường Nguyễn An Ninh (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu), với tổng vốn đầu tư ước tính 400-500 tỷ đồng. Cụ thể, trên đường 2/9 sẽ xây dựng hầm chui với quy mô bốn làn xe, tĩnh không 4,75m, chiều dài gần 20m để nối sang đường Thống Nhất.
Trước đó, ngày 25/5, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ đã có văn bản chỉ đạo Sở GTVT làm việc với chủ đầu tư công trình là Vietsovpetro để thống nhất phương án di dời.
Thiết kế hầm chui ở vòng xoay Tượng đài Dầu khí (ảnh: Sở GTVT Bà Rịa - Vũng Tàu) |
Được biết, chủ trương lập dự án cải tạo nút giao thông Tượng đài Dầu khí được bắt đầu triển khai từ năm 2018 đến nay. Đơn vị tư vấn cùng chủ đầu tư là Sở GTVT đã tham khảo một số địa phương, nhiều ý kiến chuyên gia, sở, ngành, TP Vũng Tàu và UBND tỉnh trước khi đề xuất phương án hầm chui.
Đến tháng 3/2020, UBND tỉnh đã kết luận cơ bản, thống nhất phương án thiết kế hầm chui từ đường 2/9. TP Vũng Tàu sau đó cũng thống nhất chọn phương án hầm chui do kinh phí thấp và có ưu điểm, thuận lợi hơn trong khi thi công.
Việc chỉnh trang nút giao này cũng được lấy ý kiến của Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro. Đại diện Vietsovpetro cho biết, về lựa chọn phương án thiết kế cải tạo, nâng cấp nút giao Tượng đài Dầu khí thuộc lĩnh vực chuyên môn, đơn vị không có ý kiến. Tuy nhiên, về góc độ ý nghĩa của tượng đài, Vietsovpetro mong muốn đây sẽ tiếp tục là công trình mang biểu tượng của mối quan hệ gắn bó giữa Vietsovpetro và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Công trình Tượng đài Dầu khí được ghép từ 150 khối đá với chiều cao 24,5m, đường kính 40m, khánh thành vào năm 2010. Công trình là biểu tượng gắn kết của ngành dầu khí đối với tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và cũng thể hiện dấu ấn sâu đậm của tình hữu nghị Việt - Nga.
Lâm Anh