Công nghiệp ô tô vẫn... ì ạch
(PetroTimes) - Chỉ có mặt chủ yếu tại phân khúc giá trị thấp trong chuỗi giá trị công nghiệp ô tô thế giới nên việc người dân vẫn phải mua xe giá cao, tỷ lệ nội địa hóa vẫn thấp so với các nước trong khu vực là đương nhiên. Ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn còn cách mục tiêu làm chủ công nghệ, giá thành rất xa.
Gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường ô tô trong nước. Một số dự án sản xuất, lắp ráp ô tô quy mô lớn với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn hướng tới thị trường khu vực đã hình thành. Đơn cử như Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast, các nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô du lịch thương hiệu Mazda, ô tô tải, ô tô bus của Công ty Cổ phần ô tô Trường Hải, dự án mở rộng sản xuất ô tô du lịch và ô tô thương mại thương hiệu Hyundai của Tập đoàn Thành Công...
Gần đây nhất, Thaco đã xuất khẩu lô xe đầu tiên (xe bus mang thương hiệu riêng của Thaco và xe du lịch thương hiệu Kia Motors) sang các quốc gia Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan).
Đáng chú ý, các chủng loại xe tải nhẹ dưới 7 tấn, xe khách từ 25 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra tại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu).
Nhiều linh kiện lắp ráp ô tô sẽ được miễn thuế nhập khẩu. |
Mặc dù đã có sự chuyển biến, nhưng thực tế các doanh nghiệp ô tô của Việt Nam chỉ tham gia vào phân khúc thấp trong chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô. Đó là gia công, lắp ráp và tìm cách bán thương hiệu. Trong đó, doanh nghiệp Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào sự phân công sản xuất, linh kiện của các tập đoàn ô tô toàn cầu. Đặc biệt các vấn đề cốt lõi của công nghệ sản xuất ô tô như chế tạo động cơ, hệ thống điều khiển, hệ thống truyền động, thiết kế kiểu dáng, mẫu mã… đều do các Tập đoàn nước ngoài quyết định. Chính vì vậy, giá bán xe ô tô trong nước vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, doanh nghiệp không có tính quyết định đối với chính sản phẩm của mình.
Đặc biệt với loại xe ô tô cá nhân đến 9 chỗ ngồi, tỷ lệ nội địa hoá còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và thấp hơn nhiều so với các quốc gia trong khu vực.
Để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, theo Bộ Công Thương, Chính phủ cần có chính sách, giải pháp quyết liệt và nhất quán, tập trung hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm một số doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, cần hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội thị trường do các chính sách vừa ban hành, tập trung đẩy nhanh các dự án lớn về sản xuất, lắp ráp ô tô của các doanh nghiệp lớn trong thời gian gần đây và tương lai.
Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống theo hướng không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị tạo ra trong nước, nhằm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao năng lực cạnh tranh của ô tô trong nước so với ô tô nhập khẩu.
Theo ông Lê Ngọc Đức - Tổng giám đốc Hyundai Thành Công, nhà nước cần có chính sách giảm hoặc miễn thuế nhập khẩu nguyên liệu, vật tư và linh kiện nội địa hóa trong nước. Đồng thời, áp dụng các gói tín dụng dành cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, đưa sản xuất sản phẩm ô tô vào danh mục sản phẩm công nghệ cao để khuyến khích doanh nghiệp phát triển. Chỉ có những chính sách mạnh mẽ mới có thể tăng tỷ lệ nội địa hóa ô tô, giảm giá thành sản phẩm.
Xác định mục tiêu gia tăng tỷ lệ nội địa hóa và khơi thông nguồn linh kiện, Bộ Công Thương đang nỗ lực phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp nước ngoài trong ngành ô tô như Toyota, Honda... tăng cường tìm kiếm các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh, phụ kiện trong nước đủ khả năng để thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn và dài hạn.
Chính phủ vừa có báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ khóa XIII lĩnh vực Công Thương. Theo đó, một trong những nội dung được đề cập khá sâu trong báo cáo này là thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu trong Chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. |
Tùng Dương