Doanh nghiệp cần nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng
(PetroTimes) - Ngày 25/9, tại Hà Nội, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tổ chức hội nghị triển khai chương trình Doanh nghiệp vì người tiêu dùng và hệ thống tổng đài 1800.6838, nhằm xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp nhận thức và thực thi đúng quy định pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng.
Cục trưởng Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Sinh Nhật Tân, phát biểu tại hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Sinh Nhật Tân, cho biết: Thông qua Hội nghị, cộng đồng doanh nghiệp và tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được cập nhật các thông tin chi tiết, cụ thể về đối tượng, mục tiêu, cách thức và giá trị lợi ích khi tham gia các hoạt động nêu trên. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thể xây dựng chiến lược tham gia phối hợp thực hiện các hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng tại đơn vị trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: Thông qua Hệ thống đánh giá “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”, doanh nghiệp có thể hiểu rõ hơn các quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, tự kiểm tra, đánh giá hiệu quả bảo vệ người tiêu dùng để kịp thời có các biện pháp cải thiện, nâng cao mức độ bảo vệ người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững cho doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị |
Đại diện Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết: Số lượng cuộc gọi tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng tại Bộ Công Thương (18006838) ngày càng tăng mạnh. Năm 2011 tổng đài chỉ nhận được 26 cuộc gọi nhưng đến năm 2020 đã có gần 8.000 cuộc gọi cần tư vấn, khiếu nại của người tiêu dùng. Hầu hết, các phản ánh liên quan đến dịch vụ vận tải, phương tiện vận chuyển; tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, tín dụng tiêu dùng; hàng hóa tiêu dùng hàng ngày; dịch vụ điện thoại, viễn thông....
Trong thời gian tới, Trung tâm Thông tin, Tư vấn đào tạo sẽ kết nối đến khắp các tỉnh thành; thống nhất quy trình tiếp nhận tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng; số hóa, điện tử hóa khâu tư vấn, tiếp nhận đến giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng. Đồng thời sẽ hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp, người tiêu dùng và các bên liên quan trong công tác tư vấn, hỗ trợ và giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng; giảm thiểu thủ tục hành chính; hỗ trợ, nâng cao nhận thức của các cán bộ trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Ngoài ra, Trung tâm cũng sử dụng một đầu số điện thoại chung, một hệ thống cơ sở dữ liệu chung và một quy trình nội dung tư vấn thống nhất cho các khiếu nại của người tiêu dùng trên phạm vi toàn quốc thông qua tổng đài 18006838. Tông đài tư vấn với đầu số 1800.6838, sử dụng trên toàn quốc. 6838 tương ứng với các chữ “N”, “T”, “D’, “V” trên bàn phím điện thoại, mang ý nghĩa “Người Tiêu Dùng Việt”.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Daniel Hermann, đại diện dự án bảo vệ người tiêu dùng khu vực ASEAN của GIZ cho biết: Bảo vệ người tiêu dùng nên đóng vai trò trung tâm trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, ưu tiên quan tâm nguồn lực trong bảo vệ người tiêu dùng. Bởi vì, chỉ số quốc gia của Việt Nam với trao quyền người tiêu dùng là gần với chỉ số trung bình toàn ASEAN, tức vẫn chỉ ở mức trung bình thấp.
Theo quy định về Chỉ số trao quyền cho người tiêu dùng trong ASEAN, một quốc gia đạt 104-130 điểm thì người tiêu dùng ở nước đó có thể được coi là mức độ trao quyền cao; một quốc gia đạt 78 - 103 điểm thì đó là mức độ trao quyền trung bình và nếu đạt dưới 78 điểm là mức độ trao quyền thấp. Trong khi đó, tại Việt Nam, mức độ trao quyền đang ở mức 82,96 là mức trung bình trong khu vực, nên đòi hỏi sự đầu tư, quan tâm của Chính phủ và sự đồng lòng của xã hội trong bảo vệ người tiêu dùng.
Để cải thiện hơn nữa chỉ số này, ông Daniel Hermann cho rằng, cần sự nỗ lực nhiều đơn vị liên quan, đặc biệt là trách nhiệm cộng đồng của doanh nghiệp tới người tiêu dùng. Trong đó bao gồm việc tôn trọng nghĩa vụ chất lượng giao hàng, tôn trọng các điều khoản không áp đặt, xây dựng cơ chế dễ dàng, thuận tiện và hiệu quả để người tiêu dùng phản ánh khiếu nại, được bồi hoàn tài chính hoặc có trách nhiệm với người tiêu dùng nếu gặp phải sản phẩm kém chất lượng.
N.H