Hiến kế xử lý Tòa nhà 8B Lê Trực!
Tôi cho rằng việc xử lý dứt điểm vi phạm tại Tòa nhà 8B Lê Trực là rất cần thiết bởi vụ việc đã để quá lâu, ảnh hưởng không chỉ đến uy tín các cấp trong bộ máy chính quyền, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn khiến tài sản hợp pháp nhiều hộ dân nơi đây bị xâm phạm, kỷ cương phép nước bị buông lỏng.
Để hiến kế một cách hợp lý, hợp tình cho vụ việc này, là một người theo dõi vụ việc lâu năm, lại biết rõ nhiều "ngóc ngách" không nằm trong văn bản, tôi xin bắt đầu theo từng nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra.
*******
Khi cả Hà Nội đang gồng mình chống chọi sự lây lan của đại dịch do vi-rút Covid-19 gây ra, chắc chẳng mấy ai nghĩ đến một loại “vi-rút coi thường kỷ cương phép nước” trong lĩnh vực xây dựng đã hoành hành từ lâu, mà việc chống sự lây lan của nó lâu nay lại như gió thoảng.
Đến hôm mới đây, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Quận ủy Ba Đình, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đã đề nghị quận Ba Đình cần khẩn trương xử lý dứt điểm vi phạm tại Tòa nhà 8B Lê Trực.
Tôi cho rằng đây là việc làm rất cần thiết bởi vụ việc đã để quá lâu, ảnh hưởng không chỉ đến uy tín các cấp trong bộ máy chính quyền, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, mà còn khiến tài sản hợp pháp nhiều hộ dân nơi đây bị xâm phạm, kỷ cương phép nước bị buông lỏng.
Tôi cũng hoàn toàn tin rằng Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung đã cố gắng hết sức mình để xử lý việc này, nhưng đã vướng phải những khúc mắc bất khả kháng, vượt quá quyền hạn và khả năng thực thi nên mới để sự việc kéo dài bất đắc dĩ như thế.
Tại văn bản số 11166/VPCP-CN ngày 6/12/2019, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng dự án tại số 8B Lê Trực. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP. Hà Nội tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm vi phạm tại dự án này, bảo đảm kỷ cương, pháp luật, an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Để hiến kế một cách hợp lý, hợp tình cho vụ việc này, là một người theo dõi vụ việc lâu năm, lại biết rõ nhiều "ngóc ngách" không nằm trong văn bản, tôi xin bắt đầu theo từng nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu ra.
Thứ nhất, nguyên tắc “bảo đảm kỷ cương, pháp luật”.
Văn bản có tính pháp lý cao nhất để Tòa nhà 8B Lê Trực ra đời, đó là Quyết định số 2452/QĐ-UBND ngày 5/12/2008 do Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo ký về việc Phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết phần kiến trúc hai bên trục đường tỷ lệ 1/500 tại lô đất này. Theo đó, chiều cao công trình không vượt quá 70m và số tầng không quá 20 tầng.
Đây là văn bản có ý nghĩa quyết định, chi phối nhiều văn bản cấp dưới buộc phải tuân theo, vì đây là văn bản quy phạm pháp luật, mọi quy định của văn bản này sẽ “được Nhà nước bảo đảm thực hiện”, trừ khi có những văn bản ở cấp cao hơn bãi bỏ.
Theo tôi được biết, đến nay, chưa có văn bản nào thay thế hoặc bãi bỏ quyết định này. Cho nên, tôi cho rằng, muốn xử lý dứt điểm vụ việc tại Tòa nhà 8B Lê Trực, UBND TP. Hà Nội cần ra một văn bản khác thay thế để khẳng định lại chiều cao và số tầng của tòa nhà.
Hiện nay, quận Ba Đình đang dựa vào Giấy phép xây dựng số 11/GPXD-SXD mà Sở Xây dựng Hà Nội đã cấp cho Tòa nhà 8B Lê Trực ngày 24/3/2014 để xử lý vụ việc. Tại đây, công trình được cấp phép có chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm.
Nếu chiếu theo nguyên tắc “bảo đảm kỷ cương, pháp luật”, tôi cho rằng sự ra đời tờ giấy phép này là vi phạm lớn nhất trong vụ việc, bởi 2 lẽ:
Một là, đơn phương phủ nhận giá trị pháp lý của một văn bản quy phạm pháp luật cấp thành phố, là Quyết định số 2452/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội.
Hai là, vi phạm các tiêu chuẩn trong Quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành TCXDVN 323:2004 "Nhà ở cao tầng - Tiêu chuẩn thiết kế". Tại tiêu chuẩn 6.2.4.12 quy định: Chiều cao thông thủy các phòng ở không được nhỏ hơn 3m và không được lớn hơn 3,6m. Chú thích: Chiều cao thông thủy là chiều cao từ mặt sàn đến mặt dưới của trần.
Về Giấy phép xây dựng này, công trình được cấp phép có chiều cao là 53m và 18 tầng nổi, có 4 tầng hầm. Chiều cao bình quân của các tầng là 2,94m (53m : 18 tầng = 2,94m). Trừ đi chiều dày bê tông dầm sàn, trần 0,6m, chiều cao thông thủy của một tầng chỉ còn khoảng 2,36m (!?).
Vậy muốn xử lý dứt điểm vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực, Hà Nội cần có một giấy phép xây dựng khác thay thế để “bảo đảm kỷ cương, pháp luật”.
Thứ hai, nguyên tắc “an toàn công trình”.
Đến nay, hai tầng 20 và 19 của tòa nhà đã phá dỡ xong và được đánh giá là an toàn. Theo ý chí của Lãnh đạo quận Ba Đình, sẽ tiếp tục phá dỡ tầng 18 và 17.
Một lý do quan trọng khiến quận Ba Đình không thể tiếp tục phá dỡ Tòa nhà liên quan đến lĩnh vực kỹ thuật. Theo các giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư kết cấu và chuyên gia của Công ty TNHH Tư vấn Đại học Xây dựng, tại nóc tầng 18 tòa nhà còn dầm treo cao 1,8m và vượt nhịp 17m thiết kế treo 2 cột công trình mặt đường Trần Phú.
Do vậy, việc phá dỡ dầm, sàn, cột, vách từ tầng 18 tới cao độ +55,20m bằng cao độ sàn tầng 17 ảnh hưởng đến hệ kết cấu treo do không còn điểm treo (vì đã phá dỡ mất dầm treo trên nóc tầng 18), mất nút giằng định vị đầu cột tổng thể của công trình.
Vì thế, để phá dỡ được từ tầng 18 đến hết tầng 17 phải gia cố 2 cột từ tầng 3 xuyên qua tầng hầm xuống móng chạm sỏi cuội. Nhưng trên thực tế, để gia cố được 2 cột này thì phải đưa máy móc thiết bị vào, bao gồm máy khoan bê tông, máy khoan cọc nhồi cỡ lớn... Nhưng công trình đã thi công hoàn thiện rồi nên không thể đưa máy móc vào để thi công. Do vậy, không thể gia cố được 2 cột dầm đảm bảo kỹ thuật an toàn.
Các công nhân phá dỡ phần sai phạm tại 8B Lê Trực trong giai đoạn 1. |
Theo lời khuyên của chuyên gia uy tín hàng đầu quốc gia trong lĩnh vực này là PGS. TS. Trần Chủng (nguyên Cục trưởng Cục Giám định chất lượng nhà nước về chất lượng xây dựng - Bộ Xây dựng): Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy, hầu như không có việc cắt ngọn công trình. Thường chỉ có kéo sập, phá hủy toàn bộ tòa nhà bằng thuốc nổ, mìn công nghệ cao. Với công trình số 8B Lê Trực, nếu “cắt” hết phần sai phạm, công trình sẽ tan tành. Vì ngoài hạ độ cao 16m xây vượt, công trình phải cắt khoảng lùi ở các mặt của tòa nhà.
Việc phá dỡ Tòa nhà số 8B Lê Trực chắc chắn ảnh hưởng đến mặt kết cấu. Vì thế cần nghiên cứu kỹ tác động của việc cắt ngọn tòa nhà có ảnh hưởng đến kết cấu còn lại không, việc phá dỡ thế nào để đảm bảo an toàn cho công trình và cả khu dân cư, từ an toàn vật liệu xây dựng, đến an toàn tiếng ồn, ô nhiễm…
Đây là vấn đề kỹ thuật xây dựng, là những con số bất biến mà các chuyên gia trong nước đã vạch ra. Nay không tin chuyên gia trong nước, quận Ba Đình có ý định đi thuê chuyên gia nước ngoài thì cũng chẳng sao, nhưng cần hết sức cẩn trọng, bởi lẽ mọi hậu quả để lại đều do người Việt Nam mình gánh chịu, trong đó có trách nhiệm nặng nề của người ra quyết định.
Thứ ba, nguyên tắc bảo đảm “quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan”.
Một khi nguyên tắc thứ nhất là “bảo đảm kỷ cương, pháp luật” đã được tôn trọng thì nguyên tắc thứ ba này cũng tương tự.
Tôi đã có dịp gặp gỡ nhiều người dân và chủ đầu tư, đã được đọc nhiều văn bản và đơn kêu cứu của họ và thấy rằng, nếu không xót xa, cay đắng, thậm chí là uất ức thì quả là những trái tim vô cảm.
Đến nay, nhiều căn hộ tại Tòa nhà 8B Lê Trực đã được bàn giao, hợp đồng mua bán nhà đã được thanh lý, chủ sở hữu tài sản đã được định vị, nhiều gia đình đã mua sắm đầy đủ tiện nghi và đã vào ở. Tuy nhiên, nay không thể quay trở lại vì bị bảo vệ của phường đuổi ra, không cho vào.
Liệu có thể nhận xét gì về tình trạng này? Tòa nhà xây hợp pháp, hợp đồng mua bán hợp pháp, nguồn tiền mua nhà hợp pháp, quyền công dân nguyên vẹn…, vậy lý gì mà tài sản của họ lại bị chiếm giữ suốt 5 năm qua?
Người dân mua nhà tại dự án 8B Lê Trực bức xúc vì đã nhiều năm trôi qua nhưng sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. |
Hôm mới đây, chúng tôi có gặp Ban đại diện cư dân của Tòa nhà 8B Lê Trực thì được biết, họ sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền và nếu cần thiết, họ sẽ gửi đơn ra Tòa kiện về hành vi chiếm giữ tài sản trái phép.
Ông Nguyễn Sỹ Duyên là cán bộ về hưu và được hưởng chế độ chính sách nạn nhân chất độc da cam dioxin, thương binh hạng 2/4, mất sức 55%, vừa được trao tặng huy hiệu 50 năm tuổi Đảng chua xót nói: “Tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi rồi, mua cái nhà tại dự án 8B Lê Trực ấy là muốn vợ chồng, con cái cuối đời thì về đấy ở, các con nó ủng hộ. Rồi tôi bán cái nhà đang ở tại khu vực Mỹ Đình đi, tập trung vào mua cái nhà chung cư nhưng cũng không đủ. Tôi phải nhờ các con và vay thêm bạn bè, vay ngân hàng. Vậy mà khi chúng tôi nhận nhà và về ở được 1 tháng thì tự nhiên thấy bảo vệ của phường, quận đuổi chúng tôi ra, không cho ở nữa. Công an phường, công an khu vực đến mời chúng tôi ra khỏi nhà và bảo là lệnh cưỡng chế 2 tầng và phải ra khỏi nhà để cho an toàn…”.
Bà Nguyễn Thị Hồng Xuân, Trưởng Ban đại diện cư dân Tòa nhà cho hay: “Riêng gia đình tôi trong suốt 5 năm qua đã tốn thêm mất khoảng 400 triệu đồng đi thuê nhà vì vụ việc này”.
Còn về chủ dự án thì khỏi phải nói, theo các chuyên gia phân tích, cứ một năm dự án chậm đưa vào hoạt động, các chi phí sẽ đội lên ít nhất 10%. Nay dự án đã kéo dài hơn 10 năm, thiệt hại như thế nào, chắc ai cũng rõ.
Tôi cho rằng, để thực hiện nguyên tắc bảo đảm “quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan” mới là phức tạp và không thể lường trước. Tuy nhiên, nếu TP. Hà Nội có một cuộc đối thoại minh bạch, dân chủ giữa các bên liên quan để bàn về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ theo các nguyên tắc đã nêu trên, tôi tin rằng, việc xử lý dứt điểm vụ việc Tòa nhà 8B Lê Trực sẽ có cơ hội đạt được hiệu quả đồng thuận.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Linh (Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam)