Vẫn còn hàng trăm xe trái cây ách tại biên giới Việt – Trung
(PetroTimes) - Thông tin nhanh từ Bộ Công Thương về tình hình thông quan tại các cửa khẩu hai nước Việt Nam – Trung Quốc, dù có sự phối hợp chặt chẽ của doanh nghiệp và Hải quan hai nước nhưng vẫn còn hàng trăm xe trái cây bị ách lại tại biên giới.
Theo đó, tại tỉnh Lạng Sơn, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị: Đã xuất khẩu được 31 xe (trong đó 25 xe trái cây như thanh long, dưa hấu, mít, nhãn và linh kiện điện tử; đã nhập khẩu 25 xe gồm linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, trái cây (táo, cam), nông sản khác (hành, tỏi, nâm)…
Vẫn còn hàng trăm xe trái cây ách tại các cửa khẩu. |
Nhưng tại đây vẫn còn tồn tới 114 xe hàng trái cây các loại gồm thanh long, mít, ớt, nhãn và một số xe chở linh kiện điện tử.
Tại các cửa khẩu như Tân Thanh và Cốc Nam đã hoàn toàn phong bế, không phát sinh hoạt động xuất nhập khẩu trong thời gian quan nhưng vẫn còn tồn 10 xe nông sản, tạp hóa các loại.
Đặc biệt, tại cửa khẩu Ga Đồng Đăng cũng còn tồn 37 toa xe, trong đó có 7 toa thanh long, 30 toa xe chở thép chờ nhập khẩu.
Tính đến hết ngày 10/2, tỉnh Lào Cai đã có 12 xe trái cây (thanh long, chuối, mít, dưa hấu) xuất khẩu chính ngạch. Tuy nhiên, tiến độ thông quan bên phía Trung Quốc vẫn chậm do thiếu nhân lực liên quan đến quá trình giao nhận hàng hóa. Cụ thể có tới 7 xe trái cây làm thủ tục xuất khẩu từ sáng ngày 08/02 đến tối ngày 09/02 mới hoàn thành tất cả các khâu giao nhận liên quan tại phía Trung Quốc.
Tại cửa khẩu Kim Thành II, hiện còn tồn 120 xe trái cây gồm 100 xe thanh long, 2 xe chuối, còn lại là mít và dưa hấu.
Người nông dân đang rất cần các doanh nghiệp, người dân ủng hộ giải cứu một mùa dưa thất bát do dịch bệnh. |
Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo về xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc đang rất khó khăn, thông quan chậm do ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do biến chủng của virus corona, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và người nông dân cần chủ động hơn nữa trong việc hợp tác bán hàng, tìm thị trường mới để xuất bán nông sản, tránh hiện tượng ùn tắc kéo dài gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp cũng như người nông dân.
Thành Công