Nhiều game bạo lực, dung tục xâm nhập trái phép vào Việt Nam
(PetroTimes) - Có khá nhiều game không phép, vi phạm pháp luật, trong đó phần lớn là các game phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam, đang được phân phối rộng rãi trên các kho ứng dụng App Store của Apple, Play Store của Google và được quảng cáo trên Facebook. Các game này có nội dung dung tục, nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử… gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tâm lý người chơi và xã hội.
Siết chặt quản lý kinh doanh hàng giả nhãn mác trên mạng xã hội |
Xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” |
Bộ TT&TT mạnh tay với thông tin vi phạm pháp luật trên mạng xã hội |
Trước tình trạng nhiều trò chơi điện tử xuyên biên giới, game vi phạm pháp luật Việt Nam vượt qua hàng rào quản lý, thu phí người chơi tại Việt Nam, ngày 20/12 vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng cường phối hợp trong công tác quản lý đối với hoạt động thanh toán cho trò chơi điện tử trên mạng.
Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ: Qua rà quét thông tin trên mạng, Bộ phát hiện có khá nhiều game không phép, vi phạm pháp luật, trong đó phần lớn là các game phát hành xuyên biên giới vào Việt Nam, đang được phân phối rộng rãi trên các kho ứng dụng App Store của Apple, Play Store của Google và được quảng cáo trên Facebook.
Nhiều game bạo lực, dung tục đang xâm nhập trái phép vào Việt Nam qua các kho ứng dụng trên điện thoại thông minh |
Trong số các game vi phạm pháp luật, có rất nhiều game cờ bạc đổi thưởng, game bạo lực, dung tục, có nội dung nhạy cảm về chính trị, về chủ quyền biển đảo, xuyên tạc lịch sử… gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến tâm lý người chơi và đến xã hội.
Một trong những yếu tố quan trọng để các game xuyên biên giới, game vi phạm pháp luật Việt Nam vượt qua hàng rào quản lý, vẫn thu phí người chơi tại Việt Nam là nhờ được hỗ trợ bởi các hình thức thanh toán đa dạng như: qua thẻ tín dụng quốc tế (Visa, Maters Card), qua các trung gian thanh toán (như ví điện tử), qua tài khoản viễn thông và các hình thức thanh toán khác.
Nhiều đơn vị trung gian thanh toán không thực hiện việc rà quét, sàng lọc để đảm bảo chỉ các game có phép mới được thanh toán.
Cụ thể, trên Google Play Store và App Store, qua kênh thanh toán In-App (kênh thanh toán do Google và Apple quản lý), người sử dụng có thể lựa chọn một trong các hình thức thanh toán như thẻ tín dụng quốc tế, ví điện tử MoMo, tài khoản viễn thông để thanh toán cho game (trong đó có cả game không phép, game cờ bạc) như các game: Destiny Summoner, Onmyoji Arena, Extraordinary Ones 5V5 MOBA, Vip 52... (được phát hành trên Google Play Store); game Tank Storm, Onmyoji Arena, Sảnh rồng, Vua săn hũ, King 365... (được phát hành trên App Store)”.
Vì vậy, để tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động thanh toán cho trò chơi điện tử trên mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức, đơn vị có chức năng hỗ trợ về thanh toán đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép phải tuân thủ các quy định tại Thông tư số 24/2014 và các quy định có liên quan về thanh toán; không kết nối, thanh toán cho các trò chơi điện tử trên mạng không phép cung cấp tại Việt Nam.
Ngoài ra, giao các đơn vị chức năng cùng phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) và các bộ, ngành có liên quan để có giải pháp ngăn chặn việc thanh toán cho các trò chơi điện tử trên mạng không phép cung cấp tại Việt Nam.
Chủ động từ chối, tạm ngừng hoặc ngừng kết nối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử chưa được cấp quyết định phê duyệt nội dung, kịch bản hoặc chưa thông báo cung cấp dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 72/2013 của Chính phủ.
Nguyễn Bách