Năm 2019, xuất khẩu hải sản dự kiến tăng trưởng 10%
(PetroTimes) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), tính tới tháng 11 năm nay, xuất khẩu (XK) hải sản của Việt Nam đạt 2,9 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2018; dự kiến cả năm 2019, tăng trưởng khoảng 10% so với 2018.
Cua biển sống xuất sang Trung Quốc giá trung bình 2USD/kg? |
Vướng thẻ vàng, Việt Nam tụt hạng về xuất khẩu hải sản |
Trong đó, XK cua ghẹ tăng tốt nhất 16,5% đạt hơn 138 triệu USD; XK cá biển khác (trừ cá ngừ) tăng 15,9% đạt 1,5 tỷ USD, XK cá ngừ tăng 12% đạt 668,9 triệu USD; tuy nhiên XK nhuyễn thể (gồm mực, bạch tuộc và nhuyễn thể 2 mảnh vỏ) giảm 10% đạt 621,6 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng trong tháng 11/2019, XK hải sản của Việt Nam đạt gần 282 triệu USD, tăng 2% so với tháng 11/2018. Trong đó, XK cá ngừ đạt 59,4 triệu USD, tăng 5,3%, XK cá biển khác (trừ cá ngừ) đạt 143,3 triệu USD, tăng 6,3%, XK mực, bạch tuộc và nhuyễn thể hai mảnh vỏ giảm lần lượt 19,3% và 14,8%, XK cua ghẹ và giáp xác khác tăng trưởng tốt 57,4% đạt 20,3 triệu USD.
Ảnh minh hoạ |
Với cá ngừ, Mỹ vẫn là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 44,5% trong tổng giá trị XK cá ngừ của Việt Nam đi các thị trường. Tính tới tháng 11 năm nay, XK cá ngừ Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng tốt 42,6% đạt 297,6 triệu USD. EU là thị trường NK lớn thứ 2, chiếm tỷ trọng 19,2%.
Trong XK mực, bạch tuộc, XK bạch tuộc chiếm tỷ trọng cao hơn với 51,1%, còn lại mực chiếm 48,9%. Việt Nam vẫn chủ yếu XK các sản phẩm mực, bạch tuộc sống/tươi/đông lạnh (chiếm tỷ trọng 71%), các sản phẩm chế biến vẫn chưa nhiều (chiếm 29%). Hàn Quốc vẫn là thị trường NK mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39,9% tổng XK mực, bạch tuộc của Việt Nam đi các thị trường.
XK hải sản sang EU vẫn bị tác động bởi thẻ vàng IUU, tuy nhiên, các doanh nghiệp đẩy mạnh XK sang các thị trường khác. Dự kiến, XK hải sản của Việt Nam cả năm 2019 tăng khoảng 10% so với năm 2018.
Kim Thu