Các địa phương ngăn chặn vận chuyển thịt lợn qua biên giới
Nhằm ổn định nguồn cung cho thị trường trong nước, đồng thời tránh tình trạng lây lan dịch bệnh, các địa phương đang triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn tình trạng vận chuyển lợn qua biên giới.
Theo phản ánh do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn tại Trung Quốc và một số nước láng giềng thiếu hụt trầm trọng nên đã đẩy giá thịt lợn cao chưa từng có và nguồn cung trở nên khan hiếm. Điều này khiến các thương lái ồ ạt đưa lợn sống, thịt lợn vượt biên. Việc này dẫn đến thịt lợn trong nước khan hiếm nên giá thịt lợn trong nước cũng tăng cao. Mặc khác, vì lợi nhuận nên các thương lái, chủ cơ sở giết mổ cũng tìm mọi cách đưa thịt lợn từ vùng dịch vào nước ta để tiêu thụ.
Để hạn chế tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan và UBND các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh tăng cường kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua biên giới.
Thực hiện chỉ đạo trên, UBND tỉnh An Giang yêu cầu sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã và thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung kiểm soát việc vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn qua khu vực biên giới, đặc biệt tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn không đảm bảo an toàn. Cách làm này nhằm chấm dứt tình trạng nhập lậu, vận chuyển buôn bán trái phép động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn từ An Giang qua Campuchia và ngược lại.
Tỉnh An Giang cho biết, trường hợp bắt giữ lô hàng động vật, sản phẩm động vật, nhất là thịt lợn vận chuyển bất hợp pháp phối hợp cơ quan thú y, cơ quan liên quan xử lý ngay theo quy định; trong đó, gửi mẫu đến Chi cục Thú y vùng VII xét nghiệm bệnh dịch tả lợn châu Phi.
UBND tỉnh An Giang yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung truyền thông về nguy cơ bệnh dịch tả lợn châu Phi, các dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm thông qua hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trái phép. Vận động nhân dân khu vực biên giới không tham gia, không tiếp tay cho việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, đặc biệt là lợn, sản phẩm từ lợn nhập khẩu trái phép ra, vào địa bàn tỉnh.
Các địa phương trong thành phố Hà Giang cũng đã chủ động thành lập 119 chốt kiểm dịch động vật tạm thời để ngăn chặn các thương lái nhập khẩu thịt lợn dịch vào Thành phố tiêu thụ. Lực lượng Quản lý thị trường đã phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng và địa phương tích cực thực hiện kiểm tra, kiểm soát 24/24h đối với 100% phương tiện lưu thông qua biên giới.
Thành phố Hà Giang yêu cầu các ngành chức năng phải đề cao cảnh giác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường công tác quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở giết mổ trên địa bàn...
Thành phố Cao Bằng cũng yêu cầu Đội kiểm soát liên ngành 398/ĐP Thành phố tăng cường công tác kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động vận chuyển, tiêu thụ, giết mổ, kinh doanh thịt lợn và các sản phẩm từ lợn; phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm tra đột xuất các cơ sở thu gom, kinh doanh giết mổ lợn, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền; Đội quản lý thị trường số 1 Thành phố tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương tích cực chủ động trong công tác kiểm tra kinh doanh, buôn bán, tiêu thụ các sản phẩm từ lợn nhằm đảm bảo tình hình thị trường, vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm của lợn nhập khẩu, không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo quy định.
Công an Thành phố cũng chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, công an các xã, phường điều tra, theo dõi tình hình, cập nhật danh sách các đối tượng có biểu hiện hoạt động buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép, có biện pháp giáo dục, răn đe nhằm chủ động phòng ngừa và tập trung các biện pháp nghiệp vụ tổ chức đấu tranh, bắt giữ và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thành phố thắt chặt kiểm dịch đối với các cơ sở giết mổ và các hộ kinh doanh buôn bán các sản phẩm tươi sống từ lợn, thông tin tuyên truyền đến các hộ kinh doanh, buôn bán lợn, các sản phẩm từ lợn tuân thủ theo quy định của Luật Thú y và Luật An toàn thực phẩm.
UBND các xã, phường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y và quy định về phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn quản lý, phát hiện kịp thời và cung cấp thông tin, phối hợp cơ quan chức năng của thành phố, của tỉnh trong việc đấu tranh chống các hành vi vận chuyển trái phép lợn, sản phẩm lợn nhập lậu, không rõ nguồn gốc trên địa bàn Thành phố.
Theo baochinhphu.vn