Chuyện nữ công nhân vận hành…
(PetroTimes) - Bước vào nghề với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng những người phụ nữ ngành Điện đã vượt qua nhiều khó khăn trở ngại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, kể cả những công việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới.
Thích đường dây, cột điện...
“Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã rất thích thú với những đường dây và cột điện. Có lẽ, đó chính là nguyên nhân thôi thúc tôi thi vào chuyên ngành Hệ thống điện của Trường Đại học Điện lực. Năm 2008, sau khi tốt nghiệp, tôi may mắn được về công tác tại Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh và làm việc tại trạm cho đến nay” - Đó là lời tâm sự của chị Vũ Thị Ngọc Thương, trực phụ tại Trạm biến áp 500 kV Quảng Ninh, Truyền tải điện Đông Bắc 1, Công ty Truyền tải điện 1.
Hơn chục năm bén duyên với ngành Điện, chị Thương có không ít kỷ niệm vui buồn, nhất là những ngày đầu mới bắt tay vào công việc, làm quen với máy móc khô khan, những lý thuyết trên ghế nhà trường lại khác xa thực tế. Đó là một thử thách không hề nhỏ với một nữ công nhân điện trẻ ngày ấy. Chị Thương nhớ lại, ngày mới bước chân vào nghề, lần đầu nghe tiếng máy cắt, chị khá hoảng vì không ngờ tiếng động mạnh như vậy; rồi những lần hồ quang điện phóng cũng làm chị thót tim. Chị Thương hiểu rằng công việc của một nữ vận hành trạm điện luôn đòi hỏi sự cẩn trọng, tỉ mỉ, chỉ một sai sót trong quá trình vận hành cũng dẫn đến hậu quả khôn lường.
Dù bận rộn và vất vả, nhưng những nữ công nhân điện luôn yêu nghề. |
Với chị Hà Bích Ngọc, Trạm quản lý điện khu vực km 4, thuộc Công ty Điện lực Yên Bái cũng không thể quên sự cố xảy ra khi chị đang trực điện. Tiếng máy cắt tổng nổ như tiếng bom, khói bao trùm mờ mịt cả phòng phân phối. Hôm ấy chị vừa mới chốt công tơ ra khỏi phòng xong, nếu như chậm một phút thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra? Đi làm chưa được bao lâu, gặp sự cố lớn như vậy, chị cũng từng bị ám ảnh, sợ xanh mặt. Thế mới biết, làm việc ngành Điện không phải là dễ. “Điện đâu phân biệt bằng cấp, đâu nhân nhượng trai gái, đâu kiêng nể đã làm lâu năm hay mới vào” - Chị Ngọc chia sẻ hóm hỉnh.
Chị cho biết, công việc hằng ngày cực nhọc, có khi còn vất vả hơn cả vận động viên do phải trèo cao, rải dây, sửa chữa, phát chặt cây trong hành lang an toàn lưới điện... Nhiệm vụ đâu có phân biệt nam hay nữ, vậy là các chị cũng “treo mình” chẳng kém gì các đấng mày râu.
Dù bận rộn và vất vả, nhưng những nữ công nhân điện luôn yêu nghề.Chị Lê Thị Phúc là kiểm định viên Tổ Hiệu chỉnh - Kiểm định công tơ thuộc Đội Thí nghiệm - Đo lường, Công ty Điện lực Đà Nẵng. Công việc của chị mang đậm tính kỹ thuật, thường chỉ dành cho nam giới. Vậy mà các chị ví von nghề của mình giống như một “bác sỹ” và chiếc công tơ chính là “bệnh nhân”. 34 năm cầm kìm, tuốc nơ vít “chữa bệnh”, đôi bàn tay chị đã chai sần theo năm tháng. Song chị luôn có niềm đam mê với công việc. Chị làm việc một cách thầm lặng, tỉ mỉ, kiên trì, tận tụy, theo dõi, đo đạc, kiểm tra các thông số kỹ thuật, tập trung mọi khả năng, trí tuệ, tay nghề của mình, sửa chữa những hư hỏng của thiết bị, tiết kiệm chi phí cho đơn vị và khách hàng. Giống như chị Phúc, không ít chị em trong Tổ đều không sợ cực, không sợ xấu, không mặc cảm khi làm nghề dành cho nam giới. Các chị luôn yêu nghề, gắn bó, yêu thương đồng nghiệp, vì lợi ích của khách hàng, sẵn sàng làm thêm giờ, đặc biệt vào những ngày cuối tuần trong những đợt cao điểm, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh.
Dẫu vậy, vẫn có những khoảnh khắc chạnh lòng... Ngày con chị Phúc được sáu tháng, chị đi làm về muộn do phải tăng cường kiểm định, hiệu chỉnh công tơ điện, xót con lắm mà chẳng biết làm sao... Rồi có những buổi cuối năm sửa chữa thiết bị, 4 giờ sáng dắt xe đi, 12 giờ đêm mới về, đi nhiều đến nỗi mà con không cần theo mẹ nữa…
Quả thực, khó khăn lớn nhất với nữ vận hành điện vẫn là vấn đề thời gian, khi công việc ca kíp không phải giờ hành chính như các ngành nghề khác. Chị Lưu Hương Hoa (Chi nhánh Lưới điện cao thế Bắc Giang) tâm sự: “Mưa gió đi ca đã đành, nhưng ngại nhất là thời gian đi ca đêm. Khi người ta bắt đầu ôm con ngủ, thì mình lại loay hoay dứt con ra khỏi vòng tay. Đã hôn tạm biệt con 5-6 lần mà đứa bé vẫn rơm rớm nước mắt, không chịu rời mẹ”.
Khó khăn gian khổ không ít, thế nhưng, khi được hỏi nếu được lựa chọn lại, các chị có chọn ngành Điện không? Vẫn chung một câu trả lời: “Có!” Ngành Điện đã rèn cho chị em sự bản lĩnh, tính kiên nhẫn, cẩn trọng trong công việc, tinh thần vượt khó tất cả vì dòng điện, vì nguồn sáng thiêng liêng cho mọi người, mọi nhà.
Duy Anh
Cố lên, để sớm có điện! | |
Những cống hiến lặng thầm | |
Dòng điện băng qua những cơn mưa núi | |
“Rồng lửa” của thợ truyền tải điện | |
Gian nan vẫn giữ “lửa nghề” |