Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tác động nhiều chiều đến nền kinh tế
(PetroTimes) - Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi, vừa không thuận lợi.
Nêu ý kiến về những kết quả của kinh tế - xã hội trong phiên thảo luận sáng nay, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) thể hiện sự đồng tình và chung vui những kết quả đạt được, trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, đối mặt với nhiều khó khăn, suy giảm; Quỹ tiền tệ quốc tế liên tục điều chỉnh tăng trưởng xuống; trong khi kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao, từ 6,2% năm 2016 đến tháng 9/2019 đạt tăng trưởng 6,8%.
ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP HCM) |
Về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, vừa có thuận lợi, vừa không thuận lợi. Về mặt không thuận lợi, ĐB Trần Hoàng Ngân nêu rõ, Trung Quốc giữ giá trị đồng nhân dân tệ, Việt Nam chúng ta nhập siêu hàng hóa từ Trung Quốc cao, gian lận thương mại, xuất xứ hàng hóa diễn biến phức tạp. Nhập khẩu từ Trung Quốc 62 tỷ USD dẫn đến nhập siêu từ thị trường Trung Quốc 29 tỷ USD, cao hơn năm 2018.
Về mặt thuận lợi, việc hàng hóa Trung Quốc áp giá cao tại thị trường Mỹ giúp hàng hóa Việt Nam vào thị trường này tăng cao. Trong 9 tháng qua, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ tăng 26,6% so với cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD, là con số gây sự chú ý.
Bên cạnh đó, ĐB Trần Hoàng Ngân cũng nêu rõ, trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế, thì yếu tố vốn quyết định đến 40-45% GDP. Một nguồn vốn quan trọng là vốn tín dụng. Trong thời gian qua, với sự quyết tâm của hệ thống chính trị, nỗ lực của Chính phủ, chúng ta đã duy trì lạm phát trong 5 năm dưới 4%, kéo giảm bội chi, nợ công, xử lý nợ xấu, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, hệ thống ngân hàng nên người dân vẫn tin tưởng hệ thống ngân hàng, gửi vào ngân hàng. Nhờ vậy, ngân hàng có nguồn vốn ổn định cung ứng cho nền kinh tế, dư nợ đến cuối tháng 7/2019 đến 7,8 triệu tỷ đồng, tương đương 30% GDP.
Điều đó cho thấy, chúng ta cần kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cần giám sát chặt chẽ hệ thống ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại. Bên cạnh đó, tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính, để thị trường chứng khoán thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung và dài hạn cho nền kinh tế. Chính phủ cần có sự hỗ trợ để TP HCM xây dựng phát triển thành công trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế.
Việc giải ngân vốn FDI liên tục gia tăng trong thời gian qua, số vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đã đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội, 20% GDP. Tuy nhiên, kết quả mang lại từ FDI chưa trọn vẹn. ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ, các địa phương khi cấp phép đầu tư cho đầu tư vốn nước ngoài cần ưu tiên yếu tố an ninh - quốc phòng, môi trường và công nghệ lên hàng đầu, đúng định hướng Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị, tiếp tục dành nguồn lực xây dựng hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm xây dựng khuôn khổ pháp lý liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý và hỗ trợ cho sự phát triển mô hình kinh doanh mới, đổi mới sáng tạo. Đồng thời, hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ người dân Việt Nam tạo ra trên thế giới. Tiếp tục hoàn thiện kinh tế vùng, để các địa phương trong một vùng liên kết cùng phát triển.
M.L
Hôm nay (31/10): Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế - xã hội |
Việt Nam vẫn chưa thể “hóa rồng, hóa hổ” |
4 vị bộ trưởng sẽ ngồi "ghế nóng" tại Kỳ họp thứ 8 |