Trước bê bối cấp “nước bẩn” cho dân, Viwasupco kinh doanh lãi đậm
Doanh thu hơn 260 tỷ đồng nhưng Viwasupco lãi sau thuế tới 126 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2019. Mặc dù từng vướng bê bối 21 lần vỡ ống nước, nay là “nghi án” cung cấp nước nhiễm dầu phế thải cho dân, song cổ phiếu VCW của Viwasupco vẫn tăng mạnh trên sàn.
Kinh doanh lãi đậm: Doanh thu 2 đồng, lãi 1 đồng!
Báo cáo tài chính giữa niên độ (đã được soát xét) của Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) cho thấy, trong nửa đầu năm nay, doanh nghiệp này “gặt” về 263,7 tỷ đồng doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 22,4% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018.
Giá vốn tăng, song Viwasupco vẫn đạt được 150,3 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng gần 27% so với cùng kỳ.
Doanh thu hoạt động tài chính giảm mạnh, chi phí tài chính cũng giảm, chí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng khá mạnh, tuy nhiên, lợi nhuận thuần vẫn đạt 133,4 tỷ đồng, tăng hơn 31% cùng kỳ.
Cộng thêm khoản lợi nhuận khác khá khiêm tốn, tổng lợi nhuận kế toán trước thuế của Viwasupco vẫn ở mức 133,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 126 tỷ đồng, tăng tương ứng 31% so với nửa đầu năm 2018.
Vết dầu tại con suối chảy ra hồ cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà |
Như vậy, nhìn chung, lợi nhuận của Viwasupco vẫn đến từ mảng kinh doanh chính. Trong khi đó, đóng góp của doanh thu tài chính và doanh thu khác không đáng kể.
Tỷ suất sinh lời của doanh thu (ROS) của Viwasupco lên tới gần 48%, một con số mơ ước với bất cứ doanh nghiệp nào. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cứ có 2 đồng doanh thu thì lãi 1 đồng.
Cũng theo báo cáo tài chính hợp nhất bán niên, tại ngày 30/6/2019, Viwasupco có 1.477 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 125 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ phải trả ở mức 453,5 tỷ đồng, tăng hơn hơn 88 tỷ đồng (chủ yếu là nợ dài hạn với 387,6 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu Viwasupco cũng tăng từ 987 tỷ đồng hồi đầu năm lên 1.023,6 tỷ đồng vào cuối tháng 6. Trong đó, tại ngày 30/6 ghi nhận, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty này là 271,4 tỷ đồng.
Trên cơ sở kết quả kinh doanh thuận lợi, tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông 2019 diễn ra hồi tháng 4, Viwasupco đã thông qua phương án trích sử dụng lợi nhuận để lại của năm 2018 để công bố chi cổ tức với số tiền 75 tỷ đồng và đã quyết định tạm ứng 2% cổ tức năm 2019 với số tiền 15 tỷ đồng.
Hồi tháng 9 vừa rồi, Viwasupco đã chi khoảng 60 tỷ đồng để tạm ứng nốt 8% cổ tức cho cổ đông. Tính chung, tổng cổ tức mà cổ đông Viwasupco nhận được năm 2019 là 10% bằng tiền mặt (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận về 1.000 đồng).
Công ty này đang có 620,57 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang, tăng khoảng 110 tỷ đồng so với 31/12/2018. Trong đó, chủ yếu là chi phí nằm tại Giai đoạn 2 Dự án Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông (620,24 tỷ đồng).
Tuy nhiên, dự án này đã được dùng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay 320 tỷ đồng và 72,5 tỷ đồng tại Vietcombank - Tây Hồ và một phần tại BIDV - Cầu Giấy. Các khoản vay này sẽ đáo hạn lần lượt vào tháng 11/2036 và tháng 2/2034.
Cổ phiếu tăng mạnh bất chấp bê bối
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VCW của Viwasupco sau nhiều phiên liền chết thanh khoản hoặc giảm giá thì sáng nay lại có giao dịch với khối lượng thấp chỉ 600 cổ phiếu, tăng giá mạnh 3.000 đồng/cổ phiếu tương ứng 9,1% lên 36.000 đồng.
Mức giá này tăng gần 20% trong vòng 3 tháng qua và sắp tiến về vùng “đỉnh giá” của VCW trong 1 năm giao dịch trở lại đây là 37.000 đồng vừa được thiết lập ngày 17/9/2019.
Hoạt động chính của Viwasupco là sản xuất nước sạch theo Dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hoà Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. Cổ phiếu của Viwasupco giao dịch tại sàn UPCoM từ ngày 23/11/2016.
Năm 2017, Vinconex thoái toàn bộ vốn khỏi Viwasupco và hiện tại, doanh nghiệp này đang có hai cổ đông chính là Gelex Energy và REE với sở hữu lần lượt 60,46% và 35,95% vốn điều lệ Viwasupco.
Diễn biến của VCW khá bất ngờ trong bối cảnh doanh nghiệp này đang đứng trước nhiều sức ép về thông tin sau khi người dân Hà Nội phản ánh có mùi lạ trong nước sạch mà Viwasupco cung cấp.
Trong khi ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng giám đóc Viwasupco khẳng định đây là do hàm lượng clo cao chứ không có độc tố thì sáng nay (15/10), ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch TP Hà Nội cho biết, do không kiểm soát tốt nên dầu phế thải mà người dân đổ xuống suối đầu nguồn đã chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy và tạo ra mùi bất thường nói trên.
Ông Chung cho biết, TP Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hoà Bình đề nghị cơ quan điều tra làm rõ trách nhiệm của Viwasupco.
Trước đó, với 21 lần vỡ ông nước, ảnh hưởng tới 177.000 hộ dân ở Thủ đô, ban lãnh đạo Viwasupco và một số lãnh đạo thuộc Vinaconex đã bị truy tố. Trong đó, ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu chủ tịch Viwasupco bị tuyên án 24 tháng tù.
Theo Dân trí