Cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên
(PetroTimes) - Ngày 2/10 tại Hà Nội, Liên hiệp Các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Thực trạng đạo đức lối sống của học sinh sinh viên - Vấn đề và giải pháp”.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng sinh viên, học sinh hiện nay năng động, thực tế hơn, tự chủ, bộc lộ rõ cá tính, quan niệm đạo đức của sinh viên, học sinh hiện nay ít bị ràng buộc bởi dư luận hơn so với các thế hệ sinh viên, học sinh trước.
Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên, học sinh thực dụng trong quan niệm đạo đức và hành vi ứng xử, muốn thể hiện vai trò cá nhân và đề cao các giá trị vật chất hơn những giá trị tinh thần; một số sinh viên, học sinh có thái độ thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm đạo đức đến bản thân, gia đình, xã hội; xa rời các giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc, sống buông thả, tự đặt mình ra khỏi những nguyên tắc, có lối hành xử bạo lực phi nhân tính, lười học tập, lười lao động...
Toàn cảnh hội thảo |
Theo GS.TSKH Nguyễn Cương, Phó Chủ tịch Hội Hóa học Việt Nam, vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường phổ thông nói riêng và sinh viên các trường ĐH, CĐ và học viên các trường dạy nghề là một vấn đề cấp bách và lâu dài của ngành giáo dục nước ta. Vấn đề này cần được sự quan tâm lớn, đột xuất và lâu dài trong nhiều năm của Đảng và Nhà nước trong đó ngành giáo dục giữ vai trò chủ đạo.
GS.TSKH Nguyễn Cương khẳng định: “Nếu làm tốt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thì sẽ góp phần hạn chế được nạn bạo lực học đường, bạo lực xã hội, tình trạng gian dối trong thi cử và cả tai nạn giao thông…”.
Để hình thành thói quen, ý thức cho sinh viên, học sinh theo ý kiến của TS Võ Thế Quân, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: Giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ là nhiệm vụ thường xuyên của các nhà trường Việt Nam, trong đó giáo dục đạo đức có vị trí quan trọng hàng đầu”. Trường THPT Đông Đô đã kiên trì thực hiện có hiệu quả các giải pháp giáo dục đạo đức, lối sống học sinh như đưa bộ môn Kỹ năng sống vào chương trình dạy học chính thức trong nhà trường, trong môn học đó gồm có: Khoan dung, trung thực và khiêm tốn. Xây dựng thói quen tốt, loại bỏ thói quen xấu; kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử; kỹ năng giải quyết mâu thuẫn bất hòa, chống bạo lực học đường; kỹ năng hợp tác; kỹ năng lắng nghe tích cực; bồi dưỡng lý tưởng mục đích sống, kỹ năng học tập và phương pháp tự học; kỹ năng tự nhận thức bản thân; truyền thống tôn sư trọng đạo, rèn luyện lòng kính trọng biết ơn thầy cô giáo và nghề dạy học; thanh niên với Internet và mạng xã hội… Bên cạnh đó, nhà trường cũng xây dựng bộ quy tắc ứng xử đối với cán bộ giáo viên và học sinh.
Theo thầy Đào Đức Doãn (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh phổ thông cần có sự tham gia của tất cả các môn học và hoạt động giáo dục trong nhà trường, trong đó Giáo dục công dân là môn học cốt lõi vì đây là môn học giữ vai trò chủ đạo trong việc giáo dục cho học sinh ý thức và hành vi của người công dân. Trong hoàn cảnh xây dựng nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa, cần quan tâm, xem xét lâu dài và nghiêm túc vấn đề giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho người Việt Nam, từ trong các nhà trường.
Ngoài ra, tại hội thảo các đại biểu đã đánh giá thực trạng và chỉ ra nhân tố tác động đến sự biến đổi đạo đức, lối sống, tác phong của sinh viên ngày nay; đề xuất các giải pháp trong việc tham gia khắc phục những tiêu cực trong đạo đức, lối sống và tác phong của sinh viên hiện nay; đề xuất kiến nghị với Đảng và Nhà nước, các đoàn thể tiếp tục định hướng, giáo dục... để giúp sinh viên sống đẹp hơn, sống có trách nhiệm hơn, sống có nghĩa có tình và hãy sống vì mọi người, vì sự phát triển của xã hội.
N.H