Tin tức Kinh tế ngày 02/10: Hà Nội và TP HCM phải có giải pháp căn cơ về ô nhiễm không khí
(PetroTimes) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Hà Nội và TP HCM phải có giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí; Bác bỏ tin đồn Doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm Sabeco; Huy động được 4000 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ... là các tin tức kinh tế nổi bật trong ngày hôm nay 02/10/2019.
Hà Nội, TP HCM cần có giải pháp căn cơ vấn đề ô nhiễm không khí
Ô nhiễm không khí ở mức nguy hại. |
Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Hà Nội và TP HCM cần có giái pháp căn cơ về vấn đề ô nhiễm không khí.
Theo đó, Thủ tướng khẳng định, các ý kiến tại cuộc họp đều có cùng nhận định, tình hình kinh tế - xã hội nổi lên nhiều điểm sáng đáng mừng gồm tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất 9 năm qua. Từ phía cung, tăng trưởng có sự đóng góp lớn của khu vực công nghiệp-xây dựng với mức tăng 9,56%. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng, động lực chính của tăng trưởng.
Về phía cầu, xuất khẩu tăng khá, xuất siêu đạt cao nhất, 5,9 tỷ USD. Sức mua đạt khá. Đầu tư FDI và tư nhân đạt kết quả rất tích cực, "chúng ta vui mừng là tư nhân Việt Nam có bước phát triển rất tốt".
Điều đặc biệt năm nay, giải ngân vốn FDI tăng trưởng khá, 14,22 tỷ USD, tăng gần 7,5%...
Về thu, chi ngân sách nhà nước, tính đến hết tháng 9, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước ước đạt 1.093.800 tỷ đồng, bằng 77,5% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018.
"Đây là lần đầu tiên, tổng thu của chúng ta đạt mốc triệu tỉ đồng"- Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào cuối ngày 2/10.
Tại cuộc họp, Thủ tướng cũng lưu ý một số rủi ro, thách thức, tồn tại như căng thẳng thương mại giữa các nước lớn phức tạp, khó lường; sự sụt giảm và tăng trưởng chậm lại của cả thế giới, rủi ro địa chính trị, biến đổi khí hậu, dịch bệnh… Giải ngân vốn đầu tư công chưa có chuyển biến. Nông nghiệp gặp khó khăn, tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ.
Một số vấn đề xã hội gây bức xúc thời gian qua, nhất là xảy ra các vụ án giết người dã man, tai nạn giao thông nghiêm trọng, dịch bệnh sốt xuất huyết gia tăng, tín dụng đen, ô nhiễm môi trường, úng lụt…
Tại cuộc họp, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM có giải pháp căn cơ, đồng bộ xử lý vấn đề ô nhiễm không khí, sớm báo cáo Thủ tướng, "không để vấn đề bức xúc như vậy, người dân kêu mà không xử lý".
Các Bộ, ngành, địa phương, nhất là Bộ Công an, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường, TP Hà Nội, TP HCM có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn gây bức xúc xã hội, đặc biệt những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, vụ hỏa hoạn ở nhiều nơi, cần công khai thông tin và nhắc nhở người dân về các biện pháp an toàn kịp thời hơn..
Bộ Công Thương bác tin đồn nhà đầu tư Trung Quốc thâu tóm Sabeco
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, thông tin về việc các nhà đầu tư Trung Quốc đã thâu tóm Sabeco là hoàn toàn sai sự thật.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định, mọi thông tin liên quan đến việc Sabeco bị bán cho Trung Quốc là không đúng.
Theo đó, ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ hoan nghênh, tạo mọi điều kiện mọi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tuân thủ đúng quy định pháp luật, hoạt động hợp pháp.
"Liên quan tin đồn Sabeco thuộc các chủ đầu tư Trung Quốc, Bộ Công Thương khẳng định đây là tin không đúng sự thật", ông Hải nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, hiện nay tại Sabeco chỉ có 2 cổ đông chính là Công ty TNHH MTV Vietnam Beverage nắm 53,59% và Bộ Công Thương đại diện vốn Nhà nước nắm 36% vốn điều lệ, các cổ đông khác nắm 10,41%.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, luôn ủng hộ các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, trong đó có Sabeco. “Tuy nhiên, có thể thấy việc Bộ Công Thương đại diện phần vốn Nhà nước nắm 36% nhằm mục đích có quyền phủ quyết khi thấy rằng những chủ trương của doanh nghiệp đưa ra không phù hợp”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng cho biết, hiện nay, Nhà nước Việt Nam đang có vốn tại nhiều tập đoàn, tổng công ty nên có việc phát tán những thông tin không đúng sự thật ảnh hưởng trực tiếp đến việc kinh doanh của doanh nghiệp đó, ảnh hưởng tới các cổ đông, tới nguồn thu của Nhà nước và ảnh hưởng tới sự hấp dẫn của chính các doanh nghiệp trong con mắt của các nhà đầu tư nước ngoài khi có ý định cổ phần hoá.
“Do đó, Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp khi bị phát tán thông tin sai sự thật, đề nghị thu thập chứng cứ để báo cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải lưu ý.
Cuối năm 2017, Thai Beverage của tỉ phú Thái Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua lại Sabeco thông qua công ty con Vietnam Beverage.
Với việc bỏ ra khoảng 5 tỉ USD, tỉ phú Thái đã nắm quyền chi phối hoạt động tại Sabeco khi là cổ đông lớn sở hữu 53,59% cổ phần. Sau khi nắm quyền chi phối, tỉ phú Thái đã nhanh chóng đưa người của mình vào ban lãnh đạo cao cấp của Sabeco.
Hiện ông Koh Poh Tiong - Chủ tịch HĐQT Thaibev, cũng đang là Chủ tịch HĐQT Sabeco. Vị trí Tổng giám đốc Sabeco do ông Neo Gim Siong Bennett nắm giữ.
Tỉ phú Thái đã "để mắt" tới Sabeco khi doanh nghiệp này sở hữu tài sản hấp dẫn với các thương hiệu nổi tiếng như Bia Saigon và 333. Với một thương hiệu tồn tại hơn trăm năm, hiện Sabeco cũng đang giữ thị phần số 1 tại thị trường bia Việt Nam.
Báo cáo tài chính quý II/2019 của Sabeco cho biết lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.425 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kì. Lợi nhuận trước thuế tăng 16%, đạt 3.456 tỉ đồng. So với cùng kì, quý II và nửa đầu năm 2019, biên lãi gộp của Sabeco đều tăng khá mạnh. Sabeco cho biết doanh thu thuần tăng nhờ gia tăng sản lượng tiêu thụ và giá bán bia. Đồng thời, các chi phí quản lí được cắt giảm tốt so cùng kì lẫn các năm trước đây.
Huy động thành công 4.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ
Thị trường trái phiếu bằng đồng nội tệ của Việt Nam đã khôi phục đà tăng trong quý I /2019 |
Đã có 4.000 tỷ đồng được huy động thành công trong phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ (TPCP) do Kho bạc Nhà nước phát hành diễn ra tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà nội (HNX) hôm nay (2/10).
Tổng khối lượng gọi thầu trong đợt dấu thầu này là 4.000 tỷ đồng tại các kỳ hạn 5 năm (500 tỷ đồng), 10 năm (1.500 tỷ đồng), 15 năm (1.500 tỷ đồng) và 20 năm (500 tỷ đồng). Kết quả, phiên đấu thầu đã huy động thành công 4.000 tỷ đồng.
Cụ thể, trái phiếu kỳ hạn 5 năm có 8 thành viên dự thầu, huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 2,89%/năm, thấp hơn 0,26%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 11/9/2019).
Trái phiếu kỳ hạn 10 năm có 6 thành viên dự thầu, huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 3,98%/năm, cao hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 25/9/2019).
Trái phiếu kỳ hạn 15 năm có 5 thành viên dự thầu, huy động được 1.500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,25%/năm, cao hơn 0,01%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 25/9/2019).
Trái phiếu kỳ hạn 20 năm có 4 thành viên dự thầu, huy động được 500 tỷ đồng với lãi suất trúng thầu 4,88%/năm, thấp hơn 0,02%/năm so với lãi suất trúng thầu phiên trước đó (ngày 11/9/2019).
Kể từ đầu năm 2019, Kho bạc Nhà nước đã huy động được 157.991,5 tỷ đồng TPCP thông qua hình thức đấu thầu tại HNX.
Đàm phán RCEP hoàn tất thêm 6 chương mới
Hội nghị Bộ trưởng RCEP lần thứ 7: Thu hẹp bất đồng về thương mại, dịch vụ |
Ngày 01/10, Bộ Thương mại Thái Lan thông báo sau phiên đàm phán lần thứ 28 tại Đà Nẵng kéo dài từ ngày 19 đến 27/9 vừa qua, các cuộc thảo luận của RCEP được đánh giá “rất hiệu quả” và dẫn đến hoàn tất thêm 6 chương mới, nâng tổng số chương đã hoàn tất lên con số 13 trong số 20 chương của hiệp định này.
Các nội dung còn lại dự kiến sẽ đạt được tại Hội nghị Bộ trưởng RCEP giữa kỳ lần thứ 9 sẽ được tổ chức ở Băng Cốc vào ngày 12/10 để tất cả các chương của RCEP sẽ được kết thúc vào cuối năm nay.
RCEP là một hiệp định thương mại tự do được đề xuất giữa 10 quốc gia thành viên của ASEAN và sáu đối tác đối thoại, là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. Khi đạt được thỏa thuận, RCEP sẽ chiếm gần một nửa nền kinh tế toàn cầu. Tại phiên đàm phán lần thứ 28 ở Đà Nẵng, các đoàn đàm phán đại diện 16 quốc gia RCEP đã trở nên linh hoạt hơn và mang lại tiến bộ rất ấn tượng này sau 7 năm đàm phán kéo dài.
Quá trình đàm phán RCEP đã phải đối mặt với một số thách thức khi 16 nền kinh tế tham gia rất đa dạng về các mức độ phát triển kinh tế, mức độ ưu đãi và mức độ tham vọng. Ví dụ về giảm thuế và loại bỏ thuế quan, liên quan đến thương mại hàng hóa, trước đó, một số nước xem xét hai biểu thuế quan riêng biệt - một biểu điều chỉnh việc giảm thuế giữa các bên với các thỏa thuận thương mại hiện có và một biểu áp dụng để giảm thuế giữa các nền kinh tế không có FTA trước đó. Tuy nhiên, các bên liên quan của RCEP không đồng ý về việc họ muốn hạ thấp bao nhiêu rào cản và ngành công nghiệp hoặc tiểu ngành nào được miễn giảm thuế vì họ muốn bảo vệ một số ngành nhất định.
Ví dụ, tiếp cận thị trường nông sản vẫn là một điểm nghẽn giữa Ấn Độ, Australia và New Zealand. Thương mại dịch vụ là một ví dụ khác mà các quốc gia có những tranh luận căng thẳng. Ấn Độ muốn tiếp cận nhiều hơn với thị trường dịch vụ và lập luận cho sự di chuyển tự do hơn của các nhân viên dịch vụ, nhưng một số nền kinh tế ASEAN không sẵn sàng cung cấp các điều khoản này. Hơn nữa, các cuộc thảo luận về các quy tắc và quy định thương mại điện tử đã làm nổi lên bản chất đa dạng của các bên RCEP. Một số quốc gia đang phát triển không có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa ra các quy tắc này. Do đó, các nước này muốn tiếp cận vấn đề một cách thận trọng. Ngay cả ở các quốc gia có quy tắc thương mại điện tử, các quan điểm khác nhau vẫn tồn tại ở các khía cạnh cụ thể như yêu cầu nội địa hóa dữ liệu...
Mặc dù có những khó khăn, các quốc gia trong khu vực không dễ dàng từ bỏ RCEP vì khối này có tiềm năng lớn và đáng theo đuổi. Nếu hoàn tất, hiệp định này sẽ tạo ra một thị trường khoảng 3,6 tỷ người tương đương 50% dân số toàn cầu, và đóng góp vào 32% GDP của thế giới. Nó cũng sẽ bao gồm 29% và 26% dòng chảy thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hơn nữa, một nghiên cứu ước tính rằng RCEP sẽ tăng thu nhập thực tế toàn cầu lên tới 286 tỷ USD mỗi năm nếu có hiệu lực vào năm 2030. Lợi ích này sẽ lớn gần gấp đôi so với CPTPP khi hiệp định này có hiệu lực vào cuối năm 2018. Ngoài ra, leo thang thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc đã tăng cường động lực để kết thúc RCEP. Nói cách khác, những diễn tiến và sự không chắc chắn trong môi trường khu vực đã và đang làm tăng tầm quan trọng của FTA này. Các nền kinh tế khu vực ngày càng cho rằng RCEP không chỉ có thể cung cấp một giải pháp thay thế để làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và đầu tư và thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế, mà còn cho phép các nước chuẩn bị cho tác động của cuộc đối đầu Mỹ-Trung.
Việt Nam có nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á
Dự án DHD trên Hồ thủy điện Đa Nhim sẽ trở thành nhà máy điện mặt trời nổi lớn nhất khu vực. |
Nhà máy điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, và lớn nhất Đông Nam Á có công suất đỉnh 47,5 MWp trên hồ chứa của NM thủy điện Đa Mi.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, ngày 2/10 đã ký kết một hiệp định vay trị giá 37 triệu USD với Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi (DHD) để tài trợ việc lắp đặt một dàn pin điện mặt trời nổi với công suất đỉnh là 47,5 mê-ga-oát (MWp) trên hồ chứa hiện thời của nhà máy thủy điện Đa Mi có công suất 175MW thuộc Công ty DHD.
Dự án này đánh dấu việc lắp đặt dàn pin điện mặt trời nổi quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam, và cũng là lớn nhất ở Đông Nam Á.
Ông Christopher Thieme, Phó Tổng Vụ trưởng, Vụ Nghiệp vụ Khu vực Tư nhân của ADB cho biết: Dự án sẽ giúp tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng công suất năng lượng của Việt Nam, và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu như than đá.
Ông Christopher Thieme cũng cho rằng việc kết hợp hai công nghệ năng lượng sạch thủy điện và điện mặt trời là một thanh tựu giản đơn nhưng rất sáng tạo và hoàn toàn có thể được nhân rộng ở những nơi khác ở Việt Nam và trên khắp Châu Á và Thái Bình Dương.
Được biết, DHD là công ty con thuộc Tổng công ty Phát điện 1, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang sở hữu và vận hành bốn nhà máy thủy điện: Đa Mi (175 MW), Hàm Thuận (300 MW), Đa Nhim (160 MW), và Sông Pha (7,5 MW). Tổng công suất phát điện của DHD là 642,5 MW, bằng khoảng 1,7% tổng công suất phát điện của Việt Nam.
Được biết, gói tài trợ bao gồm một khoản vay trị giá 17,6 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường của ADB. Khoản vay này được bổ sung 15 triệu USD đồng tài trợ ưu đãi hỗn hợp được Quỹ Biến đổi khí hậu Canada cung cấp cho Khu vực tư nhân ở Châu Á, nhằm giảm thiểu và thích ứng biến đổi khí hậu ở Châu Á và Thái Bình Dương.
Gói tài trợ cũng bao gồm khoản vay song song trị giá 4,4 triệu USD từ Quỹ Cơ sở hạ tầng khu vực tư nhân hàng đầu Châu Á (LEAP), được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thông qua một cam kết đầu tư cổ phần trị giá 1,5 tỷ USD.
Thành Công