Tin tức kinh tế ngày 01/10: Việt Nam tăng trưởng kinh tế nhanh nhất Đông Nam Á
(PetroTimes) - Dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu khởi sắc, áp thuế chống phá giá đối với nhôm Trung Quốc... là những thông tin kinh tế đáng chú ý trong ngày đầu tiên của tháng 10/2019.
Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh nhất ASEAN
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố phát triển kinh tế nhanh và lớn nhất nước ta. |
Hãng tin Bloomberg cho biết các chuyên gia kinh tế đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sau khi dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt hơn 7% trong quý III vừa qua. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chững lại, nhiều chuyên gia nhận định Việt Nam vẫn sẽ có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay và còn tiếp tục phát triển trong những năm tới.
Cụ thể, Citigroup Inc. đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2019 của Việt Nam lên 6,9%, từ mức 6,7% trước đó, tạo cơ sở cho kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng vững trong quý IV.
Các nhà phân tích tại Maybank Kim Eng Research Ltd. cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay lên 7%, tăng 0,2% so với dự báo trước đó. United Overseas Bank Ltd. điều chỉnh từ mức 6,7% lên 6,8%, trong khi Capital econom Ltd. giữ nguyên mức tăng dự báo là 7%.
Bất chấp sự suy yếu của nền kinh tế khu vực, tăng trưởng vững trong cả xuất khẩu và sản xuất của Việt Nam đã đưa mức tăng trưởng kinh tế của quý III/2019 đạt 7,31%. Đây là tốc độ tăng trưởng nhanh nhất kể từ đầu năm ngoái, phản ánh dòng vốn đầu tư nước ngoài đang ngày càng đổ vào Việt Nam.
Hai chuyên gia kinh tế của Maybank là Linda Liu và Chua Hak Bin nhận định đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) gia tăng và “nhu cầu nội địa tăng cao, thể hiện qua mức tăng trưởng bán lẻ mạnh mẽ gần đây”, sẽ giữ ổn định đà phát triển của kinh tế Việt Nam vào cuối năm nay và đầu năm sau.
Hiện nhiều tổ chức tài chính quốc tế đã đưa ra những đánh giá hết sức tích cực về triển vọng nền kinh tế Việt Nam thời gian tới. Ngân hàng HSBC dự báo mức lạm phát ở Việt Nam sẽ được kiểm soát dưới con số 2,7% trong năm nay, đồng thời tăng trưởng GDP vẫn ở mức 6,7% cho cả năm.
Ông Edward Lee, Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế phụ trách khu vực ASEAN và Nam Á, Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, tin tưởng Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực ASEAN trong năm nay với tốc độ dự kiến đạt 6,9% và được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2021.
Tuần trước, Tổng Cục Thống kê Việt Nam đã công bố số liệu rất khả quan về tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam, theo đó, GDP trong 9 tháng đầu năm nay ước tính tăng 6,98%, mức tăng cao nhất cùng thời kỳ trong suốt 9 năm qua.
Tình hình xuất khẩu tôm bắt đầu chuyển biến tích cực
Kim ngạch xuất khẩu tôm có những dấu hiệu đáng mừng. |
Rào cản kỹ thuật và cạnh tranh thương mại trên thị trường thế giới ngày càng khốc liệt, trong khi đó, ngành nuôi tôm nước lợ ở nước ta đang phải đối diện với giá thành sản xuất còn cao, điều kiện thời tiết diễn biến bất thuận. Đây được xem là những thách thức cho ngành tôm những tháng cuối năm 2019.Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến tháng 8/2019, diện tích thả nuôi tôm nước lợ nước ta đạt 689.516 ha, sản lượng thu hoạch 444.404 tấn (tăng 15% so với cùng kỳ 2018). Trong đó, sản lượng tôm sú 161.576 tấn; sản lượng tôm chân trắng 282.828 tấn.
Tuy nhiên, so với mục tiêu đề ra của năm 2019 với khoảng 864 nghìn tấn về sản lượng, 8 tháng năm 2019 mới chỉ đạt 51,3%. Bên cạnh đó, 8 tháng năm 2019, xuất khẩu tôm đạt 1,93 tỷ USD, trong khi mục tiêu đề ra cả năm đạt 4,09 tỷ USD, con số này mới chỉ đạt 45%.
Mặc dù mục tiêu đặt ra cho những tháng cuối năm 2019 khá cao, tuy nhiên, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, ngành tôm vẫn còn nhiều cơ hội để tận dụng từ thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, Ấn Độ đã hết vụ sản xuất tôm chính nên giá tôm đang có xu hướng tăng trở lại. Bên cạnh đó, EU sẽ tăng mua thủy sản trong 4 tháng cuối năm 2019 do tại Hội chợ Brúc-xen (Bỉ) tháng 5/2019, các doanh nghiệp chờ giá tôm hạ nên chưa ký hợp đồng trong khi tôm nguyên liệu tồn kho đã hết hàng.
Đặc biệt, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) mới công bố kết quả cuối cùng của đợt rà soát hành chính lần thứ 13 (POR13) đối với biện pháp chống bán phá giá với tôm Việt Nam. Theo đó, 31 doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam sẽ được hưởng mức thuế chống bán phá giá là 0%. Các chuyên gia cho rằng mức thuế 0% này không chỉ có tác động ngắn hạn mà còn mở ra khả năng bứt phá xuất khẩu cho 31 doanh nghiệp trên xuất đi Mỹ, kỳ vọng các đơn hàng sẽ nhiều hơn trong thời gian tới.
Nhu cầu nhập khẩu tôm của Mỹ từ Việt Nam đang ấm dần lên do tồn kho giảm trong khi Mỹ cũng đang giảm nhập khẩu từ Ấn Độ, Thái Lan và giảm mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, tình hình xuất khẩu tôm Việt Nam bắt đầu chuyển biến tích cực.
Các thị trường khác như: Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc đang tăng trưởng khá tốt. Đồng thời, tác động của các Hiệp định thương mại tự do sẽ tạo nền tảng để các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh.
Thị trường những tháng cuối năm 2019 dự kiến nhiều thuận lợi, vì vậy, theo Tổng cục Thủy sản, cần tập trung thúc đẩy sản xuất ngành tôm theo hướng giảm giá thành sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng để tăng khả năng cạnh tranh với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất.
Tài trợ về khởi nghiệp du lịch ở 9 tỉnh, thành phố
Liên kết phát triển du lịch Lâm Đồng với các địa phương đang gặt hái nhiều thành công. |
Chiều 1/10, Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) và Công ty cổ phần Truyền thông Sun Bright tổ chức họp báo giới thiệu “Hành trình thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” (StartUp Journey) năm 2019 với chủ đề du lịch có tên gọi “Why Vietnam?”.
Theo Ban tổ chức, hành trình huy động 120 thành viên là các thanh niên khởi nghiệp sáng tạo toàn quốc có các sản phẩm khởi nghiệp trong lĩnh vực du lịch và công nghệ; sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp về du lịch của các trường đại học trên cả nước. Hành trình sẽ đi qua 9 tỉnh, thành phố gồm: An Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Định, Huế, Ninh Bình, Yên Bái, Lào Cai.
Trong chuỗi hoạt động của hành trình, Ban tổ chức sẽ tổ chức chương trình đào tạo kỹ năng ứng dụng công nghệ trong xây dựng các giải pháp du lịch trực tuyến, quảng bá du lịch; chương trình tọa đàm “Đổi mới sáng tạo thúc đẩy du lịch”; tham quan, trải nghiệm thực tế tại các điểm du lịch địa phương...
Kết thúc hành trình, các thành viên trong đoàn sẽ tham gia “Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia” - .
Xuất siêu nhờ tỷ trọng các mặt hàng thiết yếu lớn
5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD trong 9 tháng |
Trong 9 tháng đầu năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đạt 8,2% so với cùng kỳ và là điểm sáng của nền kinh tế.
Trong khi hoạt động thương mại hàng hóa ra nước ngoài của nhiều quốc gia tăng trưởng chậm lại, nhiều thị trường trong khu vực vốn có hoạt động xuất khẩu mạnh như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… thì 9 tháng đầu năm 2019 đều ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu ở mức rất thấp (chỉ trên dưới 2%); Thì tăng trưởng xuất khẩu 9 tháng của Việt Nam đạt 8,2% so với cùng kỳ được ghi nhận là điểm sáng của nền kinh tế.
Đây là cơ sở để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cả năm. Mặc dù vậy, cả cơ quan quản lý và chuyên gia đều khẳng định, vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm.
Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế 9 tháng qua khi cùng lúc cho cả 3 kết quả hết sức tích cực. Thứ nhất, đó là đạt mức tăng trưởng 8,2% - cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu bình quân cả năm nay phải đạt (theo chỉ tiêu của Quốc hội yêu cầu là từ 7-8%); Thứ 2 là cán cân thương mại có thặng dư - với giá trị xuất siêu gần 6 tỷ USD; Và thứ 3 là khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng tới 16,4% so với cùng kỳ, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (chỉ đạt 5%).
Ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Thống kê (kiêm Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại) lý giải về nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch này là do doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu lớn (gần 70%) nhưng tốc độ tăng trưởng các mặt hàng trong khu vực đầu tư nước ngoài không cao (như mặt hàng như điện thoại, linh kiện điện thoại chỉ tăng trưởng hơn 5%), trong khi đó khối doanh nghiệp trong nước như dệt may, da giày, đá quý, đồ gỗ… đã có sự tăng trưởng mạnh, ở mức 2 con số.
Theo ông Tiến, hàng dệt may của Việt Nam, tăng trưởng về XK là 10,4%, mặt hàng giày dép là 13,5%. Đặc biệt là mặt hàng đá quý, Việt Nam XK tăng hơn 3 lần so với năm trước. Một mặt hàng nữa mà DN trong nước sản xuất cũng tăng cao đó là sản xuất nội thất từ chất liệu khác gỗ, tăng tới 46,4%...
Cùng với việc giữ được sự ổn định các thị trường xuất khẩu trọng yếu thì rất nhiều thị trường mới đã bước đầu được doanh nghiệp khai thác có hiệu quả nhờ vào các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Cụ thể, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU, Trung Quốc và ASEAN.
Nhôm Trung Quốc bị áp thuế chống bán phá giá tối đa hơn 35%
Mặt hàng nhôm thanh từ Trung Quốc bị áp thuế CBPG từ ngày 4/10. |
Mức thuế chống bán phá giá (CBPG) tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc từ 2,49% - 35,58%.
Theo Quyết định số 2942/QĐ-BCT mà Bộ Công Thương vừa ban hành, cơ quan này chính thức áp dụng biện pháp CBPG đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.
Cụ thể, mức thuế CBPG tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% - 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.
Trước đó, việc điều tra một số sản phẩm nhôm có xuất xứ từ Trung Quốc có dấu hiệu bán phá giá tại thị trường Việt Nam được khởi xướng từ tháng 1/2019, trên cơ sở kết quả thẩm định Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp CBPG của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10/2018.
Theo Bộ Công Thương, việc ban hành Quyết định áp dụng thuế CBPG chính thức đối với sản phẩm nhôm nhằm giảm thiểu thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, vốn đang bên bờ vực thua lỗ, phá sản do tác động từ lượng lớn nhôm Trung Quốc được bán phá giá vào Việt Nam.
Mức thuế CBPG chính thức dao động từ 2,49% - 35,58% đã phản ánh sự cân nhắc của Bộ Công Thương đối với lợi ích của người tiêu dùng và các ngành công nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm nhôm thanh.
Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nước ngoài với các sản phẩm đúng quy cách, chất lượng và giá bán đúng quy luật và có sự tham gia, hợp tác đầy đủ, cung cấp các thông tin, số liệu chính xác được xác định biên độ bán phá giá phù hợp. Trong khi đó, hàng hóa trôi nổi chất lượng thấp bán phá giá sẽ bị ngăn chặn với mức thuế CBPG chính thức tương đối cao.
Tùng Dương