Arab Saudi “dọn đường” chuẩn bị trả đũa Iran
(PetroTimes) - Hơn nửa tháng sau vụ hai cơ sở lọc dầu của Saudi Aramco bị nghi ngờ do Iran tấn công, ngoài việc Mỹ chuyển từ lời nói sang hành động chuyển quân tới Arab Saudi, chính quyền Riyadh gần đây liên tục đưa ra những tuyên bố “dọn đường” cho một cuộc phản công nhằm vào Iran.
Thái tử Mohammed bin Salman |
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CBS của Mỹ, Thái tử Mohammed bin Salman nói rằng một cuộc chiến giữa Arab Saudi và Iran sẽ kéo theo "sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế thế giới". "Nếu thế giới không hành động mạnh mẽ, kiên quyết để ngăn chặn Iran, chúng ta sẽ thấy một sự leo thang nghiêm trọng hơn, đe dọa lợi ích toàn cầu. Nguồn cung dầu sẽ bị gián đoạn và giá sẽ leo lên mức cao không thể tưởng tượng được", Thái tử Mohammed bin Salman nói trong chương trình 60 phút của CBS ngày 29/9.
Theo ông, hậu quả của căng thẳng cao độ giữa Arab Saudi và Iran sẽ là vấn đề toàn cầu: "Khu vực này chiếm khoảng 30% nguồn cung năng lượng toàn cầu, khoảng 20% lưu lượng hàng hóa toàn cầu, khoảng 4% GDP của thế giới. Hãy tưởng tượng khi ba điều này cùng dừng lại. Điều này có nghĩa là "sự sụp đổ hoàn toàn của nền kinh tế toàn cầu, không chỉ Arab Saudi hay các nước Trung Đông". Ông Mohammed bin Salman nói rằng cuộc tấn công ngày 14/9 vào các cơ sở khai thác dầu của Arab Saudi, mà Riyadh và Washington quy cho Iran, là không thể chấp nhận được. Song, Thái tử Mohammed cũng nói rằng, ông mong muốn tìm kiếm một giải pháp hòa bình giúp xoa dịu căng thẳng, bởi một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Arab Saudi và Iran sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng. "Một giải pháp chính trị và hòa bình tốt hơn nhiều so với một giải pháp quân sự", ông Mohammed nhấn mạnh. Theo Thái tử Arab Saudi, Tổng thống Mỹ Donald Trump nên gặp mặt người đồng cấp Iran Hassan Rouhani để xây dựng một thỏa thuận mới thay thế thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
Trước đó, Thái tử Mohammed đã ủng hộ quan điểm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, cuộc tấn công vào hai cơ sở sản xuất dầu của công ty Saudi Aramco ngày 14/9 là "hành động chiến tranh của Iran". Tuy nhiên, đến nay, chính quyền Tehran vẫn một mực phủ nhận mọi cáo buộc. Phong trào Houthi ở Yemen chính thức thừa nhận tấn công vào Aramco.
Ngày 25/9, Bộ trưởng Ngoại giao Arab Saudi Adel al-Jubeir cho biết ngay khi vị trí chính xác được phóng đi của những máy bay không người lái tấn công các cơ sở dầu khí của Saudi Aramco được xác định, Riyadh sẽ tấn công trả đũa. Mặc dù chắc chắn về khả năng can dự của Tehran trong vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở dầu mỏ của Arab Saudi ngày 14/9, Riyadh vẫn muốn chờ kết quả điều tra trước khi tung đòn phản công chính thức đối với các cuộc tấn công này. "Chúng tôi tin rằng chính Iran chịu trách nhiệm về vụ tấn công vì vũ khí được sử dụng là của Iran. Chúng tôi biết rằng các thiết bị quân sự đã không đến từ phía nam (Yemen), chúng tôi kết luận điều này là căn cứ theo phạm vi của các máy bay không người lái trên. Chúng tôi nghĩ rằng chúng đến từ phía bắc, chắc chắn từ phía bắc (Iran). Những gì chúng tôi đang làm là xác định chính xác vị trí phóng đi các máy bay không người lái này", ông Adel al-Jubeir nói trong bài phát biểu trước Hội đồng Quan hệ đối ngoại ở New York. Theo ông Adel al-Jubeir, ngay khi các chuyên gia của Liên Hợp Quốc và một số quốc gia khác kết thúc cuộc điều tra, Arab Saudi sẽ đưa ra tuyên bố, trong đó sẽ chỉ đích danh thủ phạm.
Trả lời câu hỏi tại sao vương quốc Arab Saudi không phản ứng ngay lập tức trước vụ tấn công, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Adel al-Jubeir nhấn mạnh rằng tất cả các biện pháp trả thù sẽ được thực hiện khi cuộc điều tra kết thúc. "Chúng tôi muốn biết chính xác những gì đã xảy ra, những máy bay này đến từ đâu, chúng tôi muốn nhận được hỗ trợ quốc tế và chúng tôi muốn nghiên cứu tất cả các lựa chọn: ngoại giao, kinh tế và quân sự, sau đó đưa ra quyết định hiệu quả", ông nói thêm.
Lời cảnh báo xung đột cũng được quốc gia vùng Vịnh Qatar đưa ra. Ngày 24/9, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Qatar (Quốc hội) Ahmed ben Abdallah al-Mahmoud nói, đất nước của ông lo lắng rằng một cuộc chiến sẽ nổ ra ở vùng Vịnh. "Qatar bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đối với căng thẳng leo thang ở khu vực vùng Vịnh. Chúng tôi không muốn điều này dẫn đến xung đột quân sự, vì thế giới không thể chịu đựng thêm một cuộc đối đầu mới trong khu vực này. Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế và từ bỏ bất kỳ sự can thiệp quân sự nào", ông al-Mahmoud nói trong hội nghị Chủ tịch Nghị viện các nước Á-Âu diễn ra tại Kazakhstan. Ông al-Mahmoud nhấn mạnh rằng bất kỳ tranh chấp nào cũng cần được giải quyết thông qua đối thoại và theo các quy tắc của luật pháp quốc tế, nếu không "hậu quả thảm khốc cho sự ổn định khu vực" sẽ xảy ra.
Trong hàng tựa lớn “Những kịch bản tồi tệ nhất giữa Arab Saudi và Iran” bên cạnh ảnh minh họa Tổng thống Iran và thái tử Arab Saudi với vẻ giận dữ, mũi dí vào nhau, còn tay thì cầm đao, tạp chí Courrier International của Pháp ra ngày 28/9 đặt nghi vấn: “Mỹ rút khỏi Trung Đông có thể làm khu vực bùng nổ”. Theo Courrier International, tình hình ngày càng trở nên nguy hiểm. Tổng thống Donald Trump đã mấy lần dọa trả đũa Iran, nhưng đến giờ thì không thấy có hành động gì. Tạp chí trước hết ghi nhận nghịch lý trong thái độ của Mỹ. Hành động của chủ nhân Nhà Trắng rất khó lường. Báo chí Arab Saudi khá hoang mang đã không còn ngần ngại chỉ trích thẳng thừng đồng minh là “cứng rắn giả tạo”. Dĩ nhiên là ông Trump sẽ không liều lĩnh hành động mạnh trước cuộc bầu cử tổng thống 2020. Courrier International dí dỏm cho rằng: “Khi Mỹ can thiệp thì không có gì suôn sẻ, nhưng khi không can thiệp nữa thì tất cả đổ sụp”. Đối với tạp chí Pháp, đây là một nghịch lý khác trong cuộc khủng hoảng này. Sự không can thiệp của Mỹ càng gây mất thăng bằng trong vùng, dẫn đến một cuộc chiến mới. Tóm lại, tình hình rất nguy hiểm và vùng Trung Đông đang tiến đến “một điểm chuyển hướng lớn”.
Cơ sở lọc dầu của Aramco bị tấn công ngày 14/9 |
Bộ Quốc Phòng Mỹ ngày 26/9 thông báo Hoa Kỳ sẽ điều 200 binh sĩ và đưa hệ thống tên lửa Patriot sang Arab Saudi. Đây là một quyết định được chính quyền Arab Saudi hoan nghênh. Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman cho biết việc Mỹ triển khai binh lính và tên lửa tại Arab Saudi cho phép nước này củng cố khả năng phòng không và chống tên lửa, đồng thời chứng tỏ sự hậu thuẫn của Mỹ đối với các đối tác tại Trung Đông để bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực. Ông Hoffman cũng kêu gọi các nước khác đóng góp vào nỗ lực quốc tế để tăng cường khả năng phòng thủ cho Arab Saudi.
Thông báo của Washington được đưa ra trong bối cảnh đang có những căng thẳng nghiêm trọng trong khu vực, trong khi các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Iran không muốn gặp nhau bên lề Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc tại New York trong tuần trước. Đây là lần đầu tiên Lầu Năm Góc điều quân và tên lửa đến Arab Saudi kể từ khi Hoa Kỳ rút quân khỏi nước này hồi năm 2003, sau 12 năm đóng quân tại đây và sau 2 cuộc chiến chống Iraq.
Tại cuộc họp báo ở New York nhân cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ngày 26/9, Tổng thống Iran tuyên bố: “Chúng tôi muốn Mỹ bỏ điều kiện tiên quyết để nói chuyện với Iran, bao gồm áp lực tối đa của Mỹ lên quốc gia Iran, trước khi có thể đối thoại”.
Việc Mỹ triển khai quân tới Arab Saudi chỉ để đề phòng các cuộc tấn công tương tự như các vụ ngày 14/9. Chính Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đặt mục tiêu tránh chiến tranh với Iran và việc triển khai thêm binh sĩ ở vùng Vịnh nhằm mục đích “ngăn chặn và phòng thủ”, theo Reuters.
Nhà máy dầu Arab Saudi khi bị tên lửa tấn công |
Năng lực tác chiến máy bay không người lái của Iran |
Arab Saudi lôi kéo đồng minh của Iran |
H.Phan