Chuyên gia Singapore: "Mỹ dùng thương chiến để chặn Trung Quốc nhăm nhe ngôi vị số 1"
Một chuyên gia của Singapore nhận định, mục tiêu cuối cùng của Mỹ trong chiến tranh thương mại với Trung Quốc là ngăn chặn Bắc Kinh đánh bật Mỹ khỏi vị thế cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới và qua đó khẳng định vị thế dẫn đầu của Washington trong trật tự thế giới hiện thời.
Chuyên gia Kishore Mahbubani (Ảnh: SCMP) |
Ông Kishore Mahbubani, cựu đại sứ thường trực của Singapore tại Liên Hợp Quốc và cũng là chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nói với tạp chí This Week in Asia rằng có các ý đồ chính trị nằm ở trung tâm cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới - Mỹ và Trung Quốc.
“Tôi nghĩ giờ đây ngày càng rõ rằng đây không chỉ là một chiến tranh thương mại… Nếu đó chỉ là một cuộc chiến tranh thương mại đơn thuần, và nếu mục đích của Mỹ chỉ là giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc, tôi nghĩ vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết, vì Trung Quốc rõ ràng chỉ muốn có quan hệ có lợi với Mỹ”, ông Mahbubani, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu châu Á thuộc Đại học Quốc gia Singapore, nói.
“Nhưng nhưng các bạn thấy đấy, Mỹ không làm rõ về mục tiêu của mình. Nếu mục tiêu là tách rời hai nền kinh tế thì nó sẽ trở thành một cuộc chơi rất khác”, chuyên gia trên nói thêm.
Kể từ đầu tuần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế 15% lên một loạt hàng hóa từ Trung Quốc, một phần của quyết định áp thuế lên 300 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ trong năm nay. Các biện pháp mới, vốn được áp dụng đối với mọi hàng hóa của Trung Quốc xuất sang Mỹ sau ngày 15/12/2019, là để đáp trả quyết định của Bắc Kinh nhằm áp thuế 10% đối với 75 tỷ USD hàng hóa của Mỹ.
“Mục tiêu của Mỹ có thể là ngăn chặn Trung Quốc trở thành quốc gia số 1 về kinh tế trên thế giới… Vì vậy tôi cho rằng cuộc chiến lớn hơn nhiều chứ không chỉ về thương mại. Đó là một cuộc đấu về địa chính trị”, ông Mahbubani nhận định.
Vành đai và Con đường là "đòn tấn công phủ đầu"
Nhà cựu ngoại giao Singapore cũng cho rằng các biện pháp kinh tế của Mỹ có thể là cách thức đáp trả của Washington đối với “đòn tấn công phủ đầu” của Bắc Kinh - dự án hạ tầng Vành đai và Con đường (BRI) trị giá nhiều tỷ USD nhằm mở rộng tầm ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc khắp toàn cầu.
“Điều Trung Quốc đã làm được là phát động một đòn tấn công phủ đầu chống lại chính sách ngăn chặn của Mỹ, khiến các quốc gia láng giềng của Bắc Kinh phụ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc ở mặt trận thương mại và dầu tư”, ông Mahbubani nói.
“BRI sẽ kết nối các láng giềng của Trung Quốc chặt chẽ hơn với nền kinh tế Trung Quốc, họ sẽ được hưởng lợi từ sự tăng trưởng của Trung Quốc, và do đó họ sẽ không tham gia vào một chính sách ngăn chặn chống lại Trung Quốc”, ông Mahbubani nhận định.
Theo chuyên gia Singapore, các nước tham gia vào sáng kiến Vành đai và Con dường cũng đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước vì hỗ trợ mục đích của Bắc Kinh nhằm hợp pháp hóa tham vọng địa chính trị toàn cầu, mà những người hoài nghi nói là rút cuộc nhằm làm giảm sự ảnh hưởng của phương Tây. Nhưng ông Mahbubani cũng nhấn mạnh rằng dự án BRI có các mục đích kinh tế, chứ không chỉ các mục đích chính trị của Bắc Kinh.
“Tất cả các nước đều sử dụng sức mạnh và tầm ảnh hưởng để thúc đẩy các lợi ích của riêng mình”, ông Mahbubani nhận định.
“Trung Quốc đã có khả năng vượt trội trong phát triển cơ sở hạ tầng, vì thế nước này có thể triển khai tới các nhơi khác trên thế giới. Các quốc gia tại châu Á cần nhiều cơ sở hạ tầng hơn, vì thế những nước này sẽ được hưởng lợi. Chắc chắc có lợi ích kinh tế”, ông Mahbubani nói.
Theo Dân trí