Chất lượng không khí Hà Nội đã có cải thiện nhưng vẫn đáng báo động
(PetroTimes) - Ngày 27/8, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội khoa học Kỹ thuật Hà Nội phối hợp với Đại học Xây dựng và Trung tâm phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí Hà Nội: Thực trạng và định hướng giải pháp”.
Tham dự Hội thảo có Phó Giáo sư. TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật TP Hà Nội, Phó giáo sư. TS Nguyễn Đức Lượng - Phó trưởng khoa Kỹ thuật Môi trường - Đại học Xây dựng, bà Trần Vũ Diễm Hằng - Điều phố hợp phần Không khí sạch - GreenID, đại diện các hội khoa học kỹ thuật Hà Nội.
Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Hà Nội Bùi Thị An khai mạc Hội thảo. |
Hội thảo là dịp các nhà khoa học về môi trường, chia sẻ các kết quả nghiên cứu về thực trạng không khí TP Hà Nội và thảo luận về chính sách, giải pháp cũng như những ứng dụng thực tế nhằm kiểm soát và quản lý chất lượng không khí. Đặc biệt là vai trò, sự phối hợp giữa các bên liên quan trong xử lý các vấn đề về ô nhiễm không khí của Thủ đô.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô trong đó có việc giải quyết nạn ô nhiễm không khí luôn được dư luận quan tâm đặc biệt trong thời gian qua. Với tốc độ đô thị hóa, việc tăng dân số nhanh, phân bố không đồng đều, phát triển hạ tầng thành phố không theo kịp… đã khiến môi trường Thủ đô nảy sinh nhiều bất cập như lưu lượng phương tiện, tắc đường và đặc biệt là ô nhiễm không khí.
Sự ô nhiễm đã có lúc phải báo động trong khu vực nội thành không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân mà còn ảnh hưởng cả mọi mặt hoạt động, hình ảnh của một thành phố xanh, thành phố vì hòa bình.
Phó giáo sư Nghiêm Trung Dũng công bố nghiên cứu về phát thải của các phương tiện đường bộ. |
Hội thảo đã lắng nghe một số báo cáo khoa học có giá trị như nghiên cứu về “Nồng độ bụi siêu mịn tại các nhà ở trên địa bàn Hà Nội” của PGS.TS Trần Ngọc Quang, nghiên cứu về “Phát thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại Hà Nội” của PGS.TS Nghiêm Trung Dũng - ĐH Bách Khoa Hà Nội và sự so sánh “Chất lượng không khí giữa Hà Nội và Seoul - Thủ đô Hàn Quốc”.
Các nghiên cứu khoa học công bố tại hội thảo cho thấy mặc dù có cải thiện đáng kể so với cách đây 3 năm (2016) nhưng mức độ ô nhiễm không khí bởi các hạt bụi siêu nhỏ và bụi mịn (PM2.5) tại một số khu vực trung tâm thành phố như khu vực Láng Hạ, Linh Đàm… đều vượt khoảng 1,5 lần tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam, vượt tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới (WHO) từ 2-3 lần. Đây là một hiện trạng đáng báo động bởi phát thải từ phương tiện cơ giới đã tác động rõ rệt lên nồng độ bụi siêu mịn trong không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của hàng triệu người dân Thủ đô.
Toàn cảnh hội thảo. |
Thực trạng đáng báo động như vậy nhưng các nhà khoa học, các tổ chức môi trường Thủ đô vẫn chưa có nguồn tài trợ đủ lớn cho nghiên cứu về ô nhiễm không khí cũng như đầu tư chuyên sâu để tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng không khí cho Thủ đô. Mặt khác, Thành phố cũng chưa có chính sách chuyên biệt hỗ trợ các doanh nghiệp kinh doanh sử dụng nhiên liệu sạch (ô tô chạy bằng CNG - Khí tự nhiên hóa lỏng), chưa có chế tài xử lý phương tiện giao thông xả thải, khói (xe máy, ô tô, xe buýt thế hệ cũ…).
Đặc biệt, thành phố Hà Nội hiện chỉ có vài trạm quan trắc môi trường, có thiết bị tự động đo mức độ ô nhiễm không khí nên các nhà khoa học Việt Nam vẫn phải dựa chủ yếu vào số liệu của trạm quan trắc của Đại sứ quán Mỹ, tổ chức quốc tế khác.
Thành Công