Tin tức kinh tế ngày 7/8: Nhiều doanh nghiệp gian lận hồ sơ để nhập khẩu phế liệu
(PetroTimes) - Nhiều doanh nghiệp gian lận hồ sơ để nhập khẩu phế liệu, 4 lô hàng ớt xanh đỏ và tôm đông lạnh của Việt Nam không được nhập khẩu vào Úc do chỉ số thuốc bảo vệ thực vật vượt chỉ tiêu của Úc và kỷ lục nhập khẩu ô tô của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày hôm nay 7/8.
Tin tức kinh tế ngày 6/8: 169 nhà cung ứng dệt may đã trở lại Big C |
Mạnh tay đầu tư công nghệ nhưng giá trị xuất khẩu nhiều nông sản Việt vẫn giảm sâu |
Thặng dư thương mại đạt 1,8 tỷ USD |
Nhiều doanh nghiệp gian lận hồ sơ để nhập khẩu phế liệu
Tổng cục Hải quan cho hay, để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu, nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ đoạn gian lận như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo nhận định của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường sống nghiêm trọng. Như năm 2018, theo thống kê cho thấy tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam tới hơn 9,2 triệu tấn, tăng hơn 1,3 triệu tấn so với năm 2017.
Rác phế liệu nhập khẩu về Việt Nam |
Trong đó, có hàng nghìn tấn phế liệu giấy, nhựa được buôn bán dạng thu gom, trong đó có cả phế liệu nhập khẩu được chuyển về từ các cảng biển về.
Trong quá trình theo dõi, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều doanh nghiệp thực hiện thủ đoạn gian lận như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu. Ngoài ra, khai sai tên hàng, mã số hàng hóa khác với tên hàng, mã số hàng hóa là phế liệu.
Một số doanh nghiệp đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để nhập khẩu phế liệu lại bán cho các doanh nghiệp nhỏ lẻ khác (doanh nghiệp chưa được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất) để đưa vào các làng nghề, cụm công nghiệp tái chế làm tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
Ớt xanh đỏ và tôm đông lạnh của Việt Nam không được phép nhập khẩu vào Úc
Thương vụ Việt Nam tại Úc (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 6 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Úc đã phát hiện 32 lô hàng thực phẩm nhập khẩu có nguy cơ cao hoặc trung bình cho sức khỏe cộng đồng. Trong đó, Việt Nam có 4 lô hàng gồm ớt xanh, đỏ và tôm nấu chín đông lạnh.
Những lô hàng này không được phép bán tại Úc và nhà nhập khẩu phải hủy hoặc tái xuất về nước xuất xứ dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng Úc. Ngoài ra, Úc còn áp dụng biện pháp kiểm tra 100% các lô hàng tiếp theo cho đến khi đạt tiêu chuẩn quy định.
Kỷ lục nhập khẩu ô tô: Gần 2 tỷ USD sau 7 tháng
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát trong 7 tháng năm 2019 có mức tăng rất mạnh, trên 21%, chiếm tỷ trọng 7,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Sự tăng trưởng của nhóm hàng này chủ yếu do nhập khẩu ô tô dưới 9 chỗ ngồi và linh kiện phụ tùng ô tô tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Ô tô nhập khẩu về Việt Nam |
Lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu trong tháng 7/2019 đạt 12.500 chiếc, trị giá đạt 258 triệu USD, tổng nhập khẩu ô tô vào Việt Nam 7 tháng qua đã tăng lên con số kỷ lục 87.937 xe, trị giá 1,939 tỷ USD.
Giá xe nhập khẩu trung bình các loại trong 6 tháng giảm hơn 4.000 USD/xe, từ mức 26.469 USD/xe xuống còn 22.275 USD/xe, trong đó ô tô dưới 9 chỗ có giá nhập khẩu trung bình giảm khoảng hơn 3.000 USD/xe (từ mức 22.530 USD/xe xuống còn 19.258 USD/xe).
Giá trị ngành công nghiệp Việt Nam tạo ra vẫn thấp
Theo Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, giá trị của ngành công nghiệp trong nước tạo ra vẫn còn thấp, quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam hiện vẫn còn nhiều vấn đề. Có 3 nguyên nhân chính dẫn đến điều này: Thứ nhất, hiệu quả sản xuất của Việt Nam xét trên khía cạnh giá trị gia tăng và xuất khẩu vẫn còn khiêm tốn; Thứ hai, tác nhân chính để tạo ra chuyển dịch cơ cấu và giá trị vẫn là các doanh nghiệp FDI, không phải các doang nghiệp trong nước; Thứ ba, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.
Giải pháp được đưa ra thì lại vẫn chưa có khác biệt gì so với trước đây là phải tạo lập môi trường kinh tế vĩ mô ổn định; tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng đầu tư công nghiệp; nâng cao chất lượng và kỹ năng của lực lượng lao động; hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý cho sản xuất kinh doanh...
Nông sản và hải sản từ Canada sắp “đổ bộ” sang Việt Nam
Có hiệu lực tại Việt Nam từ ngày 14/1/2019, CPTPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên và duy nhất Việt Nam và Canada cùng tham gia, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho cả hai bên. Đặc biệt, đối với Canada cơ hội xuất khẩu các sản phẩm thế mạnh sang Việt Nam là rất lớn.
Các nhà thương mại Canada giới thiệu thịt bò với người dân Việt Nam |
Cụ thể, thuế suất nhập khẩu các mặt hàng như cherry, lúa mì, hải sản như bơ tuyết, hàu, cá hồi, đặc biệt thuế nhập khẩu tôm hùm đã giảm từ 35% xuống còn chỉ còn 15% ngay khi CPTPP có hiệu lực tại Việt Nam. Nông sản và hải sản xuất từ Canada sang Việt Nam là những lĩnh vực được hưởng lợi rất lớn từ CPTPP. Bởi thuế suất nhập khẩu của hầu hết các sản phẩm nông sản, hải sản của Canada vào Việt Nam đều sẽ được xóa bỏ vào năm 2020, hứa hẹn kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng này của Canada vào Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm tới.
Bên cạnh đó, thuế suất của các mặt hàng như thịt bò các loại, đậu Hà Lan, đậu lăng khô, táo, toàn bộ các sản phẩm lâm nghiệp và sản phẩm giá trị gia tăng từ gỗ sẽ được xóa bỏ hoàn toàn vào năm 2020.
Ngoài ra, CPTPP cũng cho phép xóa bỏ thuế suất đối với khoai tây chiên, mỹ phẩm (chưa áp dụng CPTPP là 30%) của Canada sang Việt Nam vào năm 2021; các sản phẩm khác của Canada đang phải chịu thuế nhập khẩu cao như máy móc công nghiệp (25%), hóa chất và nhựa (31%), kim loại và khoáng sản (40%) đều có lộ trình xóa bỏ thuế quan trước 2027.
Nguyễn Anh