Nguyên tư lệnh quân chủng hải quân:
Không khuất phục, giữ chủ quyền!
“Chúng ta nhất quyết không khuất phục trước cường quyền nào cả, đó là niềm tin để đấu tranh và đạt được thắng lợi” - Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh.
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, nói việc Trung Quốc (TQ) đưa nhóm tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 vào vùng đặc quyền kinh tế của ta là hành động quậy phá nhằm thực hiện chiến lược “tằm ăn lá dâu”.
Trung Quốc đã có mưu đồ chiếm bãi cạn của ta từ lâu
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh |
Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh (ảnh) nhớ lại: Năm 1988, tình hình ở khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam (VN) hết sức căng thẳng.
Sau vụ đánh chiếm trái phép đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa, năm 1988), TQ liên tục cho tàu, thuyền dân sự (giả dạng) và cả tàu các lực lượng khác lấn xuống vùng biển phía nam, tìm cách xâm phạm vào vùng biển thuộc chủ quyền của VN. “Chúng ta đã biết âm mưu của TQ ở biển Đông từ lâu” - tướng Vĩnh nói. Từ nhận định này, theo tướng Vĩnh, chúng ta sau đó đã nhanh chóng có những hành động kịp thời, cấp bách để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Khi đó, với cương vị là phó tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, ông đã trực chỉ nơi đầu sóng ngọn gió để thực hiện nhiệm vụ vô cùng quan trọng. “Lúc đó, cấp trên giao cho Quân chủng Hải quân triển khai kế hoạch bảo vệ chủ quyền vùng biển và thềm lục địa phía nam bằng việc xây dựng các trạm dịch vụ kinh tế - khoa học - kỹ thuật mà sau này ta gọi là hệ thống nhà giàn DK1” - tướng Vĩnh nói.
Theo tướng Vĩnh, hơn 30 năm trước TQ đã tung ra luận điệu rằng vùng biển có bãi Tư Chính là ngoại vi của quần đảo Trường Sa (của VN) và ngang ngược bảo rằng quần đảo này thuộc chủ quyền của họ. Trên thực tế, ngay từ khi đó TQ đã nhiều lần lén lút đưa tàu xuống khu vực bãi Tư Chính để gọi là khảo sát, thăm dò, tuy nhiên đã bị ta phát hiện, xử lý, ngăn chặn. “Phải khẳng định rõ ràng với TQ rằng đây là thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa vủa VN theo quy định của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982, không phải là vùng tranh chấp! Không thể như luận điệu của TQ được” - tướng Vĩnh khẳng định.
Thấy rõ âm mưu, nhanh chóng bảo vệ chủ quyền
Theo cựu tư lệnh Quân chủng Hải quân Mai Xuân Vĩnh, ngay sau sự kiện Gạc Ma, chúng ta đã có nhận định phía TQ sẽ lấn xuống, lấn sâu, chiếm đóng ở các vị trí bãi cạn nhằm tạo thế tranh chấp chủ quyền với ta, trước hết là tranh chấp về khai thác nguồn dầu khí, bởi trong giai đoạn 1986-1989 ta đã khai thác 2,5 triệu tấn dầu thô ở thềm lục địa phía nam. Và đúng là như thế.
Trước hành động TQ xâm chiếm đảo của ta và cho tàu, thuyền hoạt động liên tục, dịch chuyển dần về phía nam, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân khẳng định phải cắm ngay hệ thống nhà giàn trên biển. Theo đó, đầu tháng 6-1989, ta tiến hành kéo nổi công trình nhà giàn DK1 đầu tiên đặt tại bãi Phúc Tần, gọi là nhà DK1/3.
Vùng biển thuộc khu vực bãi Tư Chính hoàn toàn là của Việt Nam. Việt Nam đã rất sớm xác lập chủ quyền tại đây và có những hoạt động kinh tế phù hợp với luật pháp quốc tế. Ảnh: ĐẮC LAM |
Ngày 10-6-1989, nhà giàn DK1/3 được chính thức đặt lên bãi Phúc Tần. Quá trình cố định nhà giàn khi đó hết sức vất vả. Khi đó ta đưa hệ thống ponton, nhà giàn phía trên vào vị trí trước, bên dưới neo giữ rồi mới tiến hành đổ bê tông chân đế cọc cố định. Tuy nhiên, khi chưa kịp đổ bê tông chân đế cọc cố định, gặp lúc sóng lớn, nhà bị lắc mạnh nên có nhiều khả năng mất an toàn. Trước tình hình đó, tướng Vĩnh và một số cán bộ tham mưu trực chỉ ra Phúc Tần để xử lý tình huống. Phương án đưa ra là đóng cọc cố định nên công trình đỡ rung lắc.
Tiếp đó, ngày 16-6-1989, nhà giàn DK1/4 cũng được đặt lên bãi Ba Kè. Ngày 3-7-1989, nhà giàn DK1/1 được đặt tại bãi Tư Chính. Rút kinh nghiệm trước đó, khi đặt nhà giàn DK1/1 ở bãi Tư Chính, chúng ta đã thiết kế theo cách đóng cọc nên cố định giàn tốt hơn.
Theo tướng Vĩnh, những nhà giàn ban đầu đã đóng vai trò rất lớn trong giai đoạn lịch sử, kịp thời bảo vệ chủ quyền biển và thềm lục địa phía nam của Tổ quốc.
Tung luận điệu hòa bình nhưng liên tục quấy phá
Trước những mưu đồ đã có từ lâu và những hành vi vi phạm chủ quyền ngang ngược của TQ ở bãi Tư Chính trong những ngày qua, Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh cho rằng chủ trương nhất quán của ta là đấu tranh bảo vệ chủ quyền kiên quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982.
Từng giáp mặt đấu tranh với tàu TQ gây hấn những năm 1988, ông khẳng định trong bối cảnh hiện tại mình vẫn kiên trì dựa vào pháp lý, tin tưởng vào công lý, đường lối đấu tranh hòa bình và đấu tranh đến cùng sẽ giành thắng lợi. Ngược lại, TQ cũng không thể dùng sức mạnh để độc chiếm biển Đông.
Tuy nhiên, theo tướng Vĩnh, ngay chỗ này nếu ta không hiểu được âm mưu sâu xa và nhãn quan nhạy cảm qua từng giai đoạn lịch sử để có đối sách phù hợp thì rất khó đấu tranh khẳng định, giữ gìn chủ quyền trước một nước lớn như TQ. “Âm mưu sâu xa đó là gì, thưa trung tướng”.
“Đó là bài cũ luôn được TQ vận dụng với luận điệu hòa bình. Họ ru ngủ quốc tế bằng luận điệu an ninh khu vực này luôn yên tĩnh. Đó là trò bịp bợm của họ tung ra. Họ luôn thể hiện chiêu bài hòa bình, im lặng để làm, gặm được gì thì gặm” - tướng Vĩnh chỉ rõ.
Tướng Vĩnh tiếp: “Họ làm mê hoặc mọi người khi nói họ trỗi dậy vì hòa bình nhưng chính họ cho thấy rất hung hăng để thực hiện mưu đồ lợi ích của riêng mình. Không ai khác, họ là tác giả quậy lên sóng gió khu vực này và tạo ra các vụ đụng độ, tranh chấp. Chẳng hạn năm 1992, họ cũng quậy phá khi có công ty Mỹ đến thăm dò khu vực Tư Chính mà họ gọi là Vạn An… và từ đầu tháng 7 tới nay họ đưa nhóm tàu tới quấy rối các hoạt động kinh tế hợp pháp của VN ở khu vực này”.
Theo tướng Vĩnh, nhận thấy sự nguy hiểm từ hành động này của TQ, hiện một số nước lớn đã có tiếng nói phản đối TQ và họ sẽ không dễ đạt được tham vọng mà họ đã dày công gầy dựng.
“Trái với cách hành xử của TQ, ta kiên trì đấu tranh bằng nhiều con đường khác nhau trên trường quốc tế lẫn nội lực của mình. Chúng ta nhất quyết không khuất phục trước cường quyền nào cả, đó là niềm tin để đấu tranh và đạt được thắng lợi” - vị Phó Đô đốc hải quân cho hay.
Bãi Tư Chính là của Việt Nam, Trung Quốc phải rút đi! Liên quan đến việc TQ đưa nhóm tàu khảo sát Địa Chất Hải Dương 8 xâm phạm chủ quyền của VN ở bãi Tư Chính đầu tháng 7-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN Lê Thị Thu Hằng trong tuyên bố ra ngày 19-7 đã nêu rõ: “Trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của TQ đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN ở khu vực phía nam biển Đông. Đây là vùng biển hoàn toàn của VN, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982 mà VN và TQ đều là thành viên”. Trong các phát ngôn tiếp sau đó, bà Lê Thị Thu Hằng tiếp tục khẳng định: “VN kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán, như đã khẳng định tại UNCLOS 1982, bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với mục tiêu trên, VN đã có nhiều hình thức giao tiếp, ngoại giao phù hợp, trao công hàm phản đối cho phía TQ, yêu cầu rút ngay khỏi vùng đặc quyền kinh tế của VN. Các lực lượng chức năng của VN triển khai những biện pháp phù hợp, đúng pháp luật”. EU lên tiếng chỉ trích Trung Quốc quân sự hóa biển Đông Việc “quân sự hóa” biển Đông đang đe dọa hòa bình trên tuyến đường biển này, bà Federica Mogherini, đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết như thế hôm 5-8 tại Hà Nội, theo hãng tin AFP. TQ bị cáo buộc triển khai tàu chiến, quân sự hóa các tiền đồn trên biển và đâm va vào các tàu đánh cá trên biển Đông. Bà Federica Mogherini cho hay khối này quan tâm đến “căng thẳng gia tăng” trong khu vực. “Chúng tôi tin rằng sự căng thẳng và hoạt động quân sự hóa này chắc chắn không có lợi cho một môi trường hòa bình” - bà Federica Mogherini nói. Cũng trong ngày 5-8, Cục Hải sự tỉnh Hải Nam, TQ ngang nhiên thông báo tiến hành tập trận trong các ngày 6 và 7-8 gần khu vực quần đảo Hoàng Sa của VN. Hành động phi pháp của TQ diễn tra trong lúc nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tiến vào vùng biển phía đông Philippines sau khi được điều động vào ngày 5-8. |
Theo Pháp luật TP. HCM