Hội Dầu khí Việt Nam lên án Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và cản trở hoạt động dầu khí của Việt Nam
Công văn số 89/HDKVN của Hội Dầu khí Việt Nam được gửi đến Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.
Trong công văn, Hội Dầu khí Việt Nam khẳng định, Trung Quốc đã nhiều lần bất chấp luật pháp và Công ước quốc tế xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên thềm lục địa Việt Nam, ngang nhiên hoạt động dầu khí phi pháp và cản trở hoạt động dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các Liên doanh dầu khí của Việt Nam với nước ngoài trên thềm lục địa Việt Nam. Từ đầu tháng 7 đến nay, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã ngang nhiên tiến hành hoạt động dầu khí ở khu vực phía Nam Biển Đông, gần bãi Tư Chính thuộc chủ quyền của Việt Nam và quấy nhiễu việc thăm dò và khai thác dầu khí của Việt Nam liên doanh với Tập đoàn dầu khí LB Nga – Rosneft tại Lô 06.1 thuộc bể Nam Côn Sơn trên thềm lục địa Việt Nam.
Tàu Hải Dương địa chất 8 của Trung Quốc. (Ảnh: Gulf Times) |
Hội Dầu khí Việt Nam cực lực lên án và phản đối hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, cản trở công việc tìm kiếm, thăm dò, khai thác và các hoạt động dịch vụ dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.
Hội Dầu khí Việt Nam nhấn mạnh, hoạt động của nhóm tàu Trung Quốc đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí của Petrovietnam; những "hành động lặp đi lặp lại" của Trung Quốc nhằm cản trở hoạt động thăm dò, phát triển khai thác dầu khí hợp pháp, bình thường ở một bể trầm tích “truyền thống” trên vùng biển của Việt Nam đã có hoạt động dầu khí từ năm 1974 đến nay đã gây bức xúc trong những người lao động dầu khí, đe dọa nghiêm trọng kinh tế, an ninh năng lượng và chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Hội Dầu khí Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Việt Nam ủng hộ Hội Dầu khí Việt Nam ra tuyên bố phản đối hành vi của nhóm tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam, yêu cầu ngừng và không tiếp diễn các hoạt động dầu khí phi pháp trên thềm lục địa Việt Nam; có biện pháp đấu tranh với hành động công khai xem thường luật pháp quốc tế, ngang ngược và phi lý của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam. Đồng thời tăng cường các lực lượng tuần tra, giám sát trên biển để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ các giàn khoan, giàn khai thác dầu khí; có biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của những người lao động dầu khí/Hội viên Hội Dầu khí Việt Nam trên biển.
Về phía mình, Hội Dầu khí Việt Nam cũng khẳng định sẽ luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ mọi hoạt động của Petrovietnam và các đối tác; động viên khích lệ người lao động dầu khí vượt qua khó khăn, thách thức, yên tâm triển khai các hoạt động dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam, không ngừng cống hiến vì sự nghiệp phát triển ổn định của ngành Dầu khí Việt Nam, hợp tác hữu nghị và bình đẳng theo Luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Ngân Hà
-
Nhiều đại biểu tán thành việc đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT 5%
-
UAE muốn xây dựng trung tâm trung chuyển, dự trữ các sản phẩm dầu mỏ tại Việt Nam
-
Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị giữ quy định áp thuế GTGT 5% với phân bón
-
Tuyên bố chung giữa Việt Nam và UAE về nâng cấp quan hệ lên Đối tác Toàn diện
-
Việt Nam và UAE ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA)