Điện lực tại Quảng Ninh, Hải Phòng hoàn tất chuẩn bị trước bão số 3
(PetroTimes) - Ghi nhanh của PV chiều 1/8 tại một số đơn vị Điện lực về công tác ứng phó với bão số 3 (Wipha).
Công nhân phát quang hành lang lưới điện trước cơn bão số 3, chiều 31/7/2019 |
Từ đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) - nơi được dự báo cơn bão đổ bộ vào khoảng 3h sáng 2/8, ông Nguyễn Thiện Hoàng - Trưởng ban Quản lý kinh doanh bán điện (thuộc Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng) cho biết: Từ ngày 31/7 đến nay, công nhân quản lý vận hành trên đảo đã đi kiểm tra, gia cố các tủ điện, nhà xưởng. Lực lượng công nhân cũng sẵn sàng trực 24/24h để kịp thời xử lý nếu có sự cố xảy ra. Lưới điện trên đảo Bạch Long Vĩ đã ngầm hóa 100%, là một thuận lợi lớn cho công tác quản lý vận hành của thợ điện nơi đây.
Ở đất liền, Công ty TNHH MTV Điện lực Hải Phòng cũng đã triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”; kí hợp đồng nguyên tắc với các đơn vị xây lắp trên địa bàn để phối hợp khắc phục nhanh các sự cố nếu có,...
Tại Quảng Ninh, ông Nguyễn Sông Thao - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh (PC Quảng Ninh) cho biết, Công ty đã bố trí các nhóm trực vận hành ra các xã đảo của huyện Vân Đồn; xã đảo Cái Chiên (Hải Hà); xã đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực (TP. Móng Cái). Riêng đảo Cô Tô, đội trực vận hành tại chỗ cũng đã hoàn tất mọi công tác chuẩn bị.
Tại Nam Định, theo ông Đỗ Văn Thiện - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Nam Định, các đơn vị trực thuộc đã kiểm tra, gia cố hệ thống cấp điện cho các trạm bơm, sẵn sàng phục vụ bơm tiêu chống úng; lập phương án cấp điện cho các khách hàng trọng điểm; xử lý cây xanh có nguy cơ đổ vào đường dây, trạm điện,...
Ngoài ra, điện lực các địa phương còn chủ động theo dõi các điểm thường xuyên ngập úng để kịp thời cắt điện nếu xảy ra tình trạng này, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Một số chỉ đạo tại Công điện hỏa tốc số 09/CĐ-TWPCTT ngày 1/8/2019 của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai về ứng phó với bão số 3: - Đối với khu vực ven biển, đồng bằng và đô thị: + Kiểm tra, rà soát, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn cho người dân; hệ thống đê điều, nhất là các đoạn đê xung yếu, đang thi công. + Đảm bảo an toàn hệ thống điện, thông tin liên lạc; sẵn sàng lực lượng, vật tư để phó phó, khắc phục kiph thời các dự cố; đảm bảo cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng. - Đối với khu vực trung du, miền núi: + Kiểm tra, triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập và hạ du hồ chứa, nhất là các hồ đập xung yếu đang thi công, sửa chữa và việc vận hành các hồ thủy điện nhỏ. + Chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. |
Thuỳ Lê - Minh Ngọc