Tin tức kinh tế ngày 30/7: 79,3 nghìn doanh nghiệp mới được thành lập
(PetroTimes) - Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành hỗ trợ khởi nghiệp; Có hơn 79,3 ngàn doanh nghiệp mới được thành lập trong tháng 7/2019; Vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản... là những tin tức kinh tế nổi bật trong ngày 30/7.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc |
Liên quan đến những thông tin báo chí nêu về vấn đề khởi nghiệp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo dõi, tạo điều kiện cho khởi nghiệp thành công.
Trước đó, Báo điện tử Thanh niên ngày 20/7/2019 có nội dung: "Phong trào khởi nghiệp phát triển rất nhanh, đi đến "làn sóng thứ 3" của công nghệ Deep Tech... Khái niệm Deep Tech là các công ty công nghệ nghiên cứu và phát triển sản phẩm ở trình độ nghiên cứu khoa học cao với các bằng sáng chế.
Theo các chuyên gia, những ngành có khả năng ứng dụng Deep Tech cao tại Việt Nam gồm nông nghiệp, tiêu dùng, dịch vụ, y tế... nhờ lợi thế về dân số và tốc độ thích ứng công nghệ khá nhanh.
Báo điện tử Bnews ngày 18/7 cho biết: "Trang mạng Techinasia đánh giá, Việt Nam sở hữu một trong những hệ sinh thái khởi nghiệp tăng nhanh nhất thế giới, gần đuổi kịp tốc độ tăng trưởng khởi nghiệp của Singapore và Indonesia, những nước dẫn đầu ASEAN. Việt Nam có lợi thế với nhiều tài năng công nghệ cao giá rẻ, ước tính đứng trong top 3 thế giới về số kỹ sư trong 5 năm nữa".
79,3 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới trong 7 tháng
79,3 nghìn doanh nghiệp mới thành lập trong tháng 7 là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế |
Số liệu đăng ký doanh nghiệp (DN) của Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, trong 7 tháng năm 2019 có 79,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới, tăng 4,6% về số DN so với cùng kỳ năm 2018.
Theo Tổng cục Thống kê, với tổng vốn đăng ký là 999,4 nghìn tỷ đồng, mức vốn này tăng 29,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Quy mô vốn đăng ký bình quân một DN tăng mạnh, đạt 12,6 tỷ đồng, tăng 23,9%. Đây là mức cao nhất trong những năm trở lại đây, điều này dự báo "sức khỏe" tốt hơn của các DN gia nhập thị trường.
Nếu tính cả 1.476,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các DN thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 7 tháng năm 2019 là 2.476,3 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn có 24,3 nghìn DN quay trở lại hoạt động, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 7 tháng lên 103,6 nghìn DN.
Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 7 tháng năm nay là 23,1 nghìn DN, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.
Khách du lịch đến Thủ đô tăng hơn 10% mỗi năm
Du lịch Hà Nội có tăng trưởng cao và ổn định |
Giai đoạn 2016-2018, lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt mức tăng bình quân 10,2%/năm, góp phần đưa tỷ lệ tăng trưởng du lịch của thành phố lên tới 22,5%/năm.
Đó là thông tin được nhấn mạnh trong báo cáo số 351 về đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26/6/2016, của Thành ủy về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo” của Ban cán sự Đảng UBND thành phố vừa ban hành.
Nghị quyết số 06-NQ/TU của Thành ủy xác định rõ các mục tiêu để tạo đột phá toàn diện cho du lịch Hà Nội cả về quy mô và chất lượng. Thực hiện chủ trương này, những năm qua, công tác thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật ngành du lịch Hà Nội được chú trọng tăng cường.
Thành phố khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao.
Vốn ngoại đổ vào bất động sản tăng đột biến
Thị trường bất động sản đang hút vốn đầu tư nước ngoài |
Bất động sản (BĐS) trở thành nhóm ngành thu hút vốn FDI nhiều nhất, đồng nghĩa với việc nguồn vốn FDI "chê" các ngành sản xuất khác.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Đón sóng cổ phiếu BĐS, xây dựng cuối năm 2019" diễn ra chiều 30/7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết trong 7 tháng đầu năm, Sở Xây dựng chỉ trình cho UBND TP HCM 3 dự án mới về quyết định chủ trương đầu tư, giảm hơn 80%.
Ngoài ra có 10 dự án được công nhận chủ đầu tư dự án, giảm 82% và 24 dự án đủ điều kiện huy động vốn. 7 tháng đầu năm, nguồn thu ngân sách Nhà nước từ BĐS giảm hơn 60%.
Đáng ngạc nhiên là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thị trường BĐS 6 tháng lại đạt hơn 225,9 triệu USD, chiếm 43% tổng nguồn vốn FDI mới. BĐS trở thành nhóm ngành thu hút vốn FDI khiến cho nhiều chuyên gia lo ngại bởi điều đó đồng nghĩa với sự sụt giảm thu hút vốn FDI ở các khu vực khác như sản xuất, chế tạo máy….
Tùng Phong