Toàn cảnh cuộc chiến tàu chở dầu giữa Iran và Anh
(PetroTimes) - Căng thẳng giữa Iran và Anh liên quan tới việc bắt giữ các tàu chở dầu của nhau chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. London muốn tìm kiếm sự ủng hộ của Brussels trong hồ sơ này nhưng EU không mạo hiểm vì họ đang rất muốn Tehran duy trì thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Tân Thủ tướng Anh Boris Johnson |
Iran cảnh báo châu Âu chớ có “manh động”
Ngày 28/7, Iran đã coi lời kêu gọi của Anh về việc thành lập một phái bộ hải quân của châu Âu ở vùng Vịnh là một sự "khiêu khích". Đầu tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Jeremy Hunt kêu gọi thành lập một "phái bộ bảo vệ hàng hải do châu Âu lãnh đạo" ở vùng Vịnh sau khi Iran bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero của Anh ở eo biển Hormuz. Phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei ngày 28/7 nói với hãng thông tấn ISNA: "Chúng tôi đã nghe nói rằng họ có ý định gửi một hạm đội châu Âu đến Vịnh Ba Tư". Ông Rabiei cho biết đây là một "thông điệp thù địch" và một hành động "khiêu khích" có thể làm căng thẳng thêm tình hình. Ông Rabiei nhắc lại lập trường của Iran rằng an ninh ở vùng Vịnh phải do các quốc gia thuộc khu vực giàu dầu mỏ này đảm nhiệm. "Chúng tôi là người bảo vệ lớn nhất cho an ninh hàng hải ở Vịnh Ba Tư", ông Rabiei nói.
Về phần mình, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng một phái bộ hải quân nước ngoài ở vùng Vịnh sẽ làm tình hình tồi tệ hơn. "Sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài sẽ không giúp (đảm bảo) an ninh của khu vực và sẽ là nguồn gây căng thẳng chính", ông Rouhani nói, sau cuộc gặp tại Tehran với Ngoại trưởng Oman Yusuf Bin Alawi Bin Abdullah ngày 28/7. "Iran sẽ kiên quyết phản đối bất kỳ hoạt động bất hợp pháp và bất kỳ hành động đáng trách nào đe dọa an ninh hàng hải ở Vịnh Ba Tư, eo biển Hormuz và biển Oman”, ông Rouhani cho biết. "Bất kỳ sai lầm hoặc quyết định được tính toán thiếu cẩn trọng có thể cản trở việc đi lại trong vùng biển quốc tế và gây hại cho tất cả mọi người", Ngoại trưởng Oman Yusuf Bin Alawi Bin Abdullah nói trên truyền hình nhà nước.
Iran bắt giữ tàu Stena Impero của Anh vào ngày 19/7 sau khi tàu chở dầu Grace 1 của Iran bị chính quyền Anh bắt giữ ngoài khơi Gibraltar 15 ngày trước đó vì nghi ngờ tàu này chở dầu tới Syria, vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Iran đã bác bỏ cáo buộc này, gọi đây là hành động “cướp biển” và cảnh báo sẽ đáp trả. Đầu tuần trước, Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố đã ra lệnh cho Hải quân Hoàng gia hộ tống các tàu dân sự mang cờ Anh vào eo biển Hormuz. Ngày 29/7, chính phủ Anh cho biết tàu khu trục Type 45 HMS Duncan đã tới vịnh Ba Tư để hộ tống các tàu của Anh nhằm bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực. Trước đó, London cũng đã cử tàu chiến HMS Montrose tới eo biển Hormuz. Cũng trong ngày 29/7, Tehran công bố bản ghi âm radio liên lạc cho thấy xuồng tuần tra Iran dằn mặt tàu hộ vệ tên lửa HMS Montrose trong lúc bắt tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh trên eo biển Hormuz.
Nước Anh đơn độc
London hiện đang đơn độc trong quyết định cho tàu chiến hộ tống tàu dầu. Phát biểu trước Nghị viện Anh ngày 22/7, Ngoại trưởng Jeremy Hunt thông báo muốn cùng châu Âu bảo đảm an ninh cho tàu của Anh ở vùng Vịnh để tránh tái diễn vụ tàu dầu Anh bị Iran bắt. Theo ông Hunt, Anh không có khả năng quân sự để một mình bảo đảm an ninh cho tàu thương mại của mình đi qua eo biển Hormuz và cần được hỗ trợ. Đây có thể là quyết định chót của ông với tư cách ngoại trưởng. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 26/7, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Paris, London và Berlin đã lên kế hoạch "phối hợp" tàu chiến và thương mại của họ ở vùng Vịnh để tăng cường an ninh hàng hải, nhưng không triển khai thêm phương tiện quân sự. "Chúng tôi không muốn làm gia tăng căng thẳng", bà Parly nói.
Căng thẳng đã gia tăng ở vùng Vịnh kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vào tháng 5/2018, sau đó khôi phục các lệnh trừng phạt nặng nề đối với Iran.
Cuộc họp khẩn cấp giữa 5 nước còn tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 đã kết thúc ngày 28/7/2019 tại Vienna. Tuy đánh giá cuộc họp là có tính “xây dựng” nhưng Tehran cảnh báo sẽ tiếp tục giảm thực hiện các cam kết chừng nào châu Âu vẫn chưa cứu được thỏa thuận này. Cho đến nay, những nỗ lực của các nước châu Âu nhằm bảo vệ thương mại trong bối cảnh Iran chống lại các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ không mang lại kết quả cụ thể nào. Trước đó trong cuộc điện đàm ngày 18/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng nhấn mạnh lập trường chung là củng cố các nỗ lực cứu vãn hiệp định hạt nhân 2015. Theo lãnh đạo Nga, Pháp, hiệp định mà Iran ký với 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an cộng với Đức, là yếu tố quan trọng bảo vệ an ninh Trung Đông.
Cùng lúc đó, bộ ngoại giao Nga tuyên bố với nhật báo Anh Financial Times là Moscow muốn hợp tác chặt chẽ với Instex. Đây là cơ chế trao đổi mậu dịch do Paris, London và Berlin lập ra hồi đầu năm nay với mục đích giúp Iran tiếp tục xuất khẩu và các công ty buôn bán với Iran lách được một số biện pháp trừng phạt của Mỹ từ khi Washington đơn phương rút khỏi hiệp định hạt nhân. Cụ thể, các công ty châu Âu, qua cơ chế Instex, được khuyến khích giao thương trở lại với Iran. Theo luật Mỹ, những công ty quốc tế nhập dầu của Iran hay sử dụng đô la trong thương vụ xuất khẩu hàng hóa, kể cả nhu yếu phẩm, sang Iran sẽ bị cấm cửa thị trường Hoa Kỳ. De dọa của Mỹ rất hiệu quả vì từ đầu năm đến nay, hầu hết các tập đoàn quốc tế đều bỏ Iran. Để thoát vòng vây, Iran gây áp lực với châu Âu, chính xác là với Anh, Pháp, Đức. Tehran cho biết đã bất chấp một số trói buộc của hiệp định về tinh lọc uranium và sẽ bỏ hiệp định nếu các nước châu Âu không nhanh chóng nhập khẩu dầu của Iran.
Tương lai nào cho cuộc khủng hoảng Iran-Anh?
Căng thẳng giữa Tehran và London diễn ra trong bối cảnh nước Anh đang “thay tướng”. Ngày 24/7/2019, ông Boris Johnson chính thức nhận chuyển giao chức lãnh đạo chính phủ từ bà Theresa May. Theo giới quan sát, không chắc là Boris Johnson, khi ngồi vào chiếc ghế thủ tướng, sẽ tiếp tục đường lối hiện nay đối với Iran hay không. Cho đến giờ, ông có vẻ thiên về cách tiếp cận của châu Âu trên hồ sơ Iran, nhưng trong cuộc vận động tranh ghế thủ tướng, ông vẫn chủ trương xích lại gần hơn với Mỹ. Nhưng quan điểm của ông Johnson thường thay đổi theo mối lợi chính trị trước mắt, cho nên cũng không thể loại trừ quyết định bất ngờ giờ chót.
Ngày 28/7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gửi lời chúc mừng tới tân Thủ tướng Boris Johnson và mong muốn cải thiện quan hệ song phương và đa phương với Anh. Tổng thống Iran cho hay tàu Stena Impero có thể được thả nếu Anh trao trả tàu Grace I.
Th.Long