Giải pháp để cây ăn trái không chịu cảnh “được mùa mất giá”
(PetroTimes) - Để cây ăn trái của cả nước phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi tỉnh cần xác định một số cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, về tập quán canh tác có lợi thế trong sản xuất để tập trung đầu tư, từ quy trình, quy hoạch, từ xây dựng nông thôn mới, đến chế biến bảo quản.
Trong gần 1 triệu ha cây ăn trái của cả nước thì toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện chiếm 600.000 ha cây và trong 14 loại cây ăn trái chủ lực của cả nước thì khu vực này chiếm đến 9 loại. Nhưng điệp khúc thừa - thiếu, trồng - chặt liên tiếp diễn ra khiến người trồng cây ăn trái ở ĐBSCL luôn trong tình trạng bấp bênh.
Bàn về giải pháp nào để phát triển cây ăn trái theo hướng bền vững đáp ứng thị trường xuất khẩu trong thời gian tới, TS Nguyễn Như Hiến - Phó Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam, cho biết: Cần phải tổ chức lại sản xuất trong vùng quy hoạch. Theo đó, mỗi tỉnh cần xác định một số cây thích ứng với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu về tập quán canh tác có lợi thế trong sản xuất để tập trung đầu tư, từ quy trình, quy hoạch, từ xây dựng nông thôn mới, đến chế biến bảo quản.
(Ảnh minh họa) |
Về khoa học công nghệ cần đặc biệt quan tâm khâu chọn giống, phải tốt để đưa vào sản xuất, bảo đảm các giống này có năng suất cao, chất lượng tốt vừa kháng được sâu bệnh. Mặt khác, tiếp tục bình tuyển lại những giống ở địa phương có lợi thế đặc trưng.
Cùng với đó, đẩy nhanh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, công nghệ sau thu hoạch, bảo quản và chế biến, kể cả giống cây trồng và cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Việc tổ chức lại liên kết sản xuất cũng là khâu vô cùng quan trọng. Phấn đấu đến năm 2030, 100% diện tích trong vùng ĐBSCL - vựa trái cây lớn nhất cả nước được tổ chức lại sản xuất, được sản xuất theo tiêu chuẩn GAP và được truy xuất nguồn gốc bảo đảm an toàn.
Đẩy mạnh công tác xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường, trên cơ sở tính đến thời vụ của các nước cũng cần được chú trọng. Chẳng hạn như các nước ở châu Âu, Mỹ, khi thời vụ của họ không sản xuất trái cây được thì chúng ta đáp ứng lúc này và giảm lúc kia theo giải pháp rải vụ.
Góp ý về giải pháp, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho hay, Trung Quốc đang là thị trường xuất khẩu trái cây lớn của Việt Nam, chiếm 75% sản lượng. Nhưng cái khó của nông dân là từ tháng 6 này, Trung Quốc cấm không cho xuất tiểu ngạch nữa, mà phải đi qua đường chính ngạch. Để đi đường chính ngạch, chúng ta cần phải có mã số vùng trồng, mã số đóng gói. Muốn vậy, cần phải tập hợp được nông dân qua hình thức HTX để xây dựng những vùng trồng chuyên canh tập trung lớn…
M.Đ