Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam: Cần những con số biết nói
(PetroTimes) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra những thiếu sót mà Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam 2019 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố ngày 10/7 đã mắc phải, điển hình như mật độ doanh nghiệp (DN) đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động không định vị đang ở khu vực nào của quốc tế và khu vực.
Tại Lễ Công bố Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2019, bên cạnh khẳng định vai trò quan trọng của Sách trắng là cơ sở dữ liệu để các nhà đầu tư, kinh tế, DN, các nhà quản lý… nghiên cứu trên cơ sở đó hoạch định chính sách chiến lược phát triển không chỉ kinh tế địa phương mà còn của cả nước nói chung, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ ra những nội dung quan trọng mà Sách trắng còn thiếu.
Chứng minh cho điều này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn dụ, về mật độ DN đang hoạt động bình quân trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động, Sách trắng chỉ thông kê năm 2018, cả nước có 14,7 DN đang hoạt động trên 1000 dân số trong độ tuổi lao động. Trong đó có 8/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động cao hơn bình quân cả nước như: TP Hồ Chí Minh 54,4 DN; Hà Nội 41,1 DN; Đà Nẵng 38,6 DN; Hải Phòng 22,5 DN…
Đăng ký thành lập doanh nghiệp mới |
Hay có 55/63 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1.000 dân trong độ tuổi lao động thấp hơn bình quân cả nước, trong đó 10 địa phương có mật độ DN đang hoạt động trên 1000 dân trong độ tuổi lao động thấp nhất cả nước như: Hà Giang 2,3 DN; Sơn La 2,5DN; Tuyên Quang 3,0 DN; Cao Bằng 3,1 DN; Điện Biên và Bắc Kạn cùng 3,2 DN…
Trong khi đó, với mật độ DN trên số dân như vậy Tổng cục thống kê lại không “định vị” được nó nằm ở khu vực nào của quốc tế và khu vực.
Hay ở tốc độ tăng số DN của các địa phương, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra Tổng cục Thống kê mới thống kê những địa phương có tốc độ tăng số DN cao nhất và thấp nhất cả nước. Nhưng về nguyên nhân vì sao tăng hay giảm lại không được đề cập đến. Ví như có 40 địa phương có tốc độ tăng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 cao hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Bắc Giang tăng 33,7%; Hà Nam tăng 32%; Bắc Ninh tăng 28,6%; Hưng Yên tăng 28,2%; Hải Dương tăng 25,5%; Vĩnh Phúc tăng 25%...
20/36 địa phương có tốc độ tăng số DN đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại thời điểm 31/12/2017 so với thời điểm 31/12/2016 thấp hơn mức bình quân chung của cả nước, trong đó: Lai Châu tăng 1,4%; Hậu Giang tăng 1,8%; Đăk Nông tăng 2,1%; Kon Tum tăng 3,3%; Yên Bái tăng 3,4%...
Phó Thủ tướng gợi ý nếu như có một sự so sánh giữa các địa phương có điều kiện tương đồng nhau để từ đó phân tích nguyên nhân rồi đưa ra hoặc là cảnh báo hoặc là khuyến khích cho những địa phương tăng hay giảm tốc độ tăng số doanh nghiệp sẽ giúp nội dung Sách trắng rõ ràng, chi tiết hơn, giúp người tham khảo dễ dàng nắm bắt thông tin hơn.
Phó Thủ tướng ví dụ như Hà Nội, mặc dù có số DN đứng thứ 2 toàn quốc nhưng về tốc độ tăng số DN lại đứng thứ 42 trên cả nước. TP Hồ Chí Minh cũng vậy, đứng thứ nhất cả nước về số DN nhưng tốc độ tăng chỉ đứng thứ 18. Như vậy phải có phân tích, cảnh báo nếu tốc độ tăng trưởng số DN như thế thì sẽ tụt lùi so với nhiều địa phương khác, mặc dù là thành phố lớn.
Tựu chung lại, Phó Thủ tướng cho rằng, Sách trắng cần những con số biết nói, thật sự phải là cơ sở dữ liệu mà chỉ cần nhìn vào đó, người xem có thể hình dung, nắm bắt được DN Việt Nam hiện nay như thế nào không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng hoạt động. Để trên cơ sở đó, có thể xây dựng, hoạch định được chiến lược phát triển chính xác, đúng đắn góp phần hiệu quả vào phát triển nền kinh tế nói chung.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng nhìn nhận vì đây là lần đầu tiên Sách trắng được biên soạn nên cũng không tránh khỏi những thiếu sót. Do đó với tất cả những ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng khẳng định ở lần biên soạn tiếp theo (theo từng năm), Sách trắng sẽ hoàn thiện hơn và thể hiện vai trò, ý nghĩa đầy đủ của cuốn Sách trắng.
Nguyễn Anh