Không có chế phẩm sinh học, không thể có nền nông nghiệp sạch
(PetroTimes) - Đó là chia sẻ của Tiến sĩ Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC trong tọa đàm trực tuyến về “Ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển nền nông nghiệp sạch” do Báo Nông thôn Ngày nay - Dân Việt - Trang Trại Việt online tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.
Toàn cảnh tọa đàm |
Theo nghiên cứu, chế phẩm sinh học (Probiotics) hiện đang được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành nông nghiệp vì những lợi ích to lớn mà nó mang lại. Ví dụ như trong lĩnh vực chăn nuôi, Probiotics giúp tăng sức đề kháng, giảm 1/3 khẩu phần thức ăn, giảm dùng thuốc kháng sinh và còn có thể giảm 70-80% mùi hôi, nâng cao sản lượng, chất lượng thịt - trứng - sữa… Hay trong trồng trọt, Probiotics giúp cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, nâng cao sức chống chịu (rét, hạn, úng, sâu bệnh hại…), giảm bệnh tật. Trong nuôi trồng thủy sản, Probiotics bổ sung những vi khuẩn có lợi giúp cân bằng tiêu hóa, xử lý ô nhiễm, xử lý khí độc trong ao tôm, xử lý bùn đáy, xử lý nước ao nuôi, tăng cường miễn dịch và sức đề kháng cho tôm, cá...
Ngoài ra, Probiotics còn giúp cải tạo xử lý đất, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, hạn chế các tác nhân gây bệnh tồn tại trong đất.
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay phát biểu khai mạc tọa đàm |
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay Nguyễn Văn Hoài cho biết, trong những năm qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp tăng cao, tuy nhiên ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là chất lượng nông sản. Nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả lại vì dư lượng kháng sinh. Sở dĩ có tình trạng này là do việc lạm dụng chất bảo vệ thực vật, quy trình sản xuất, bảo quản còn nhiều hạn chế, khai thác quỹ đất quá mức… Đó cũng là lý do làm cho đất đai ngày càng thoái hóa, dinh dưỡng bị mất cân đối, mất cân bằng hệ sinh thái trong đất, hệ vi sinh vật trong đất bị phá hủy, tồn dư các chất độc hại trong đất ngày càng cao, nguồn bệnh tích lũy trong đất càng nhiều dẫn đến phát sinh một số dịch hại không lường trước được, hay cả những câu chuyện về biến đổi khí hậu đã làm ảnh hưởng đến chất lượng của nền nông nghiệp.
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài cho hay, rất may thời gian qua, xu hướng quay trở lại nền nông nghiệp hữu cơ với việc tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón hữu cơ trong canh tác đang là xu hướng chung. Chúng ra cần phải làm sao để chế phẩm sinh học có thể ứng dụng rộng rãi hơn thúc đẩy một nền nông nghiệp sạch? Làm sao để lựa chọn được những chế phẩm sinh học đảm bảo chất lượng? Làm sao để sử dụng đúng cách?… là vô cùng quan trọng.
Để phát triển nền nông nghiệp bền vững, việc sử dụng các chế phẩm sinh học đang là xu hướng tất yếu ở tất cả các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Việc ứng dụng các chế phẩm sinh học không chỉ giúp tăng chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất, nâng cao cạnh tranh, xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu, nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch.
TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC chia sẻ tại tọa đàm |
Chia sẻ tại tọa đàm, TS. Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện APEC cho hay, chế phẩm sinh học là những chế phẩm được điều chế, chiết xuất từ những thành phần nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như rong rêu, tảo biển, tỏi, ớt, các phụ phẩm trong nông nghiệp... rất an toàn, thân thiện với con người và môi trường. Chúng được sản xuất theo công nghệ Nano tiên tiến kết hợp với công nghệ sinh học hiện đại, là giải pháp nông nghiệp công nghệ cao đem lại năng suất cao và hiệu quả bền vững.
Các sản phẩm chế phẩm sinh học được con người tạo ra nhằm mục đích gia tăng số lượng vi khuẩn có lợi trong môi trường bằng việc ghép nối nhiều dòng lợi khuẩn lại với nhau để đáp ứng một nhu cầu cụ thể nào đó.
Tác dụng của chế phẩm sinh học, do chứa các chủng vi sinh vật đối kháng, có khả năng ức chế, ngăn chặn các vi khuẩn gây bệnh trên cây trồng vật nuôi; chứa các vi khuẩn có lợi, có khả năng cạnh tranh vị trí bám vào thức ăn trong thành ruột với các vi sinh vật gây bệnh, không cho phép các vi sinh vật này bám vào cơ thể vật nuôi, nhờ vậy giúp ngăn ngừa dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho vật nuôi. Có thể nói, sử dụng chế phẩm sinh học là một phương pháp hữu hiệu trong việc ngăn chặn mầm bệnh và kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản nên hạn chế được việc sử dụng thuốc kháng sinh.
Khách mời tham gia chương trình tọa đàm |
TS.Trần Duy Khanh cho rằng, với nông nghiệp nói chung, đặc biệt là nông nghiệp sạch, chế phẩm sinh học có vai trò quyết định trong việc sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay. Xu hướng này là tất yếu trên thế giới và ở Việt Nam. "Nếu không có các chế phẩm sinh học thì không thể có nền sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch", TS.Trần Duy Khanh nhấn mạnh.
Nông nghiệp sạch (hay còn gọi là nông nghiệp hữu cơ) là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe con người và vật nuôi.
Các loại phân bón chủ yếu từ nguồn hữu cơ là các phế phụ phẩm nông nghiệp, các rác thải sinh hoạt, các loại phân xanh, bùn ao, các loại chất thải của gia súc, gia cầm đều có chứa hàm lượng hữu cơ cao, khi sử dụng lâu ngày có thể làm cải thiện cấu trúc của đất, cải thiện độ phì nhiêu của đất làm cho đất trồng trọt được bảo vệ tốt hơn. Không làm ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất cũng như các động vật hay côn trùng có lợi.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã chia sẻ về những kinh nghiệm, lợi ích và hiệu quả kinh tế khi dùng chế phẩm sinh học. Ví dụ nhiều hộ trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm như lợn, gà đã áp dụng công nghệ mới và chế phẩm sinh học nên vật nuôi khỏe mạnh, tránh được dịch bệnh, kể cả dịch tả lợn châu Phi vừa qua.
Ông Nguyễn Đức Tùng - Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao T&T Việt Nam |
Với mong muốn góp phần vào công cuộc cách mạng nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua, Công ty Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao T&T Việt Nam đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học vi sinh nhằm áp dụng vào sản xuất để thay đổi tư duy canh tác nông nghiệp của người dân từ hóa học vô cơ sang sinh học hữu cơ một cách bền vững. Công ty rất cần sự ủng hộ của các cơ quan truyền thông để kêu gọi bà con chung tay góp sức đẩy lùi phân bón hóa học, thuốc hóa học độc hại, đẩy lùi nạn thực phẩm bẩn còn tồn tại.
Công ty đã nghiên cứu thành công và đưa ra thị trường những sản phẩm chủ lực gồm: Phân bón hữu cơ đặc hiệu OMA cung cấp dưỡng chất tự nhiên, chuyên dùng cho các loài hoa; phụ gia sinh học Rebio Oligo chuyên trị các loại nấm, vàng lá thối rễ, rỉ sắt; phân bón hữu cơ NTT chuyên dùng cho dòng cây trồng và đặc biệt sản phẩm chiến lược là chế phẩm sinh học đa năng Rebio Multi chuyên giải độc cho đất, loại bỏ tuyến trùng, nấm bệnh, vàng lá thối rễ, sâu bọ...
Nông dân Phan Xuân Phương (khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) |
Tại tọa đàm, ông Phan Xuân Phương (khu 2, thị trấn Cao Phong, huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) chia sẻ: "Vườn cam của gia đình với trên 2ha nhiều cây bị bệnh vàng lá thối rễ, đã thử nhiều loại thuốc nhưng không hiệu quả. Có những thời điểm tôi phải chặt bỏ thay thế nhưng cũng không giải quyết được dứt điểm. Gia đình đã thử rất nhiều loại nhưng không “ăn thua". Sau đó, tôi tìm hiểu và chuyển sang dùng chế phẩm sinh học Rebio và cho hiệu quả rõ rệt.
Bệnh vàng lá thối rễ trên cây cam Cao Phong đã khỏi hoàn toàn. Từ đó, gia đình cũng giới thiệu đến bà con Cao Phong chuyển sang dùng chế phẩm này vì hiệu quả mà rất thân thiện với đất, môi trường".
Đồng quan điểm với ông Phan Xuân Phương, chị Lê Thị Châm (làng hoa Xuân Quan, Văn Giang, Hưng Yên) cho biết: "Thực ra, trước khi dùng chế phẩm sinh học, tôi có dùng một số loại phân hóa học, cho hiệu quả rất nhanh nhưng gây mùi và ảnh hưởng tới đất khiến đất ngày một kém đi trông thấy. Chuyển sang dùng chế phẩm sinh học dù tác động chậm hơn so với hóa học nhưng không lo sợ ảnh hưởng tới sức khỏe trong quá trình sử dụng, giảm được rất nhiều bệnh".
Nhà báo Nguyễn Văn Hoài, Phó Tổng biên tập Báo Nông thôn ngày nay tặng hoa các vị khách mời tham gia tọa đàm |
Có thể khẳng định, việc “Ứng dụng chế phẩm sinh học phát triển nền nông nghiệp sạch” nhằm tăng hiệu quả kinh tế nông nghiệp, tăng sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam; đồng thời đóng góp vào việc cung cấp các sản phẩm an toàn phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng. Nông nghiệp sạch không chỉ giúp nông dân tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn đưa người nông dân tới gần hơn với nền sản xuất hiện đại, tạo nền tảng cho nông nghiệp phát triển, hướng tới xây dựng nông thôn mới bền vững.
Thông qua những trao đổi của các khách mời tham dự chương trình đã đánh giá hiệu quả việc áp dụng các chế phẩm sinh học hướng tới nền sản xuất sạch theo hướng bền vững, hướng tới phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường; đồng thời đóng góp các ý kiến nhằm hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển nông nghiệp sạch; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chế phẩm sinh học để làm sao nông dân sử dụng nhiều hơn các chế phẩm sinh học vào sản xuất nông nghiệp nhằm phát triển nền nông nghiệp sạch.
Nguyễn Hoan