Thế khó của Hàn Quốc trước sức ép tẩy chay Huawei của Mỹ
Hàn Quốc lo lắng họ sẽ không được Mỹ chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên nhưng nếu tẩy chay Huawei, họ sẽ chọc giận Trung Quốc.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in (trái) và Tổng thống Mỹ Trump tại Nhà Trắng năm 2017. Ảnh: AFP. |
Mỹ trong nhiều tháng qua đã thúc giục các đồng minh quay lưng với tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei với lo ngại doanh nghiệp này do thám cho chính quyền Trung Quốc. Chiến dịch của Washington khiến Hàn Quốc phải cố gắng duy trì sự cân bằng giữa một bên là đồng minh an ninh Mỹ và một bên là Trung Quốc, đối tác thương mại hàng đầu của nước này.
Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ ở châu Á, Seoul phụ thuộc nhiều vào năng lực thu thập thông tin tình báo của Washington để thu thập thông tin về Triều Tiên, quốc gia trên lý thuyết vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với nước này. Theo Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Hàn được ký kết sau chiến tranh Triều Tiên, Hàn Quốc cho phép 28.500 binh sĩ Mỹ đồn trú trên lãnh thổ như một bức tường an ninh chống lại các hành động mà họ coi là "khiêu khích" của Bình Nhưỡng.
"Nhiều người ở Hàn Quốc lo ngại rằng nếu chính quyền Tổng thống Moon Jae-in không tham gia chiến dịch chống Huawei của Mỹ, hoạt động trao đổi thông tin quân sự giữa hai nước sẽ chấm dứt và còn có thể khiến mối quan hệ đồng minh sụp đổ", Kim Jong-ha, chuyên gia an ninh từ Đại học Hannam ở Daejeon, Hàn Quốc, nói.
Hôm 24/6, Randall Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á và Thái Bình Dương, đã cảnh báo Hàn Quốc về Huawei. "Chúng tôi không muốn thấy chúng ta rơi vào tình cảnh Mỹ không đủ tự tin chia sẻ thông tin nhạy cảm với đồng minh", Schriver nói.
Khi được hỏi liệu Washington có hạn chế chia sẻ thông tin tình báo về Triều Tiên với Seoul nếu Hàn Quốc sử dụng công nghệ của Huawei hay không, Schriver nói: "Chúng tôi hy vọng tình huống đó sẽ không xảy ra".
Vài tuần trước, Đại sứ Mỹ tại Hàn Quốc Harry Harris cũng đưa ra cảnh báo tương tự. Harris nói hôm 7/6 rằng Mỹ không muốn chịu rủi ro bị lộ thông tin an ninh nhạy cảm và sẽ "phải đánh giá lại cách chúng tôi chia sẻ thông tin với đồng minh".
Trong bài phát biểu tại Hiệp hội Nghiên cứu Quân sự Hàn Quốc cùng ngày, Harris cho biết Mỹ "đương nhiên lo lắng về các hệ lụy an ninh" của việc Huawei tham gia vào mạng lưới 5G của Hàn Quốc.
Hàn Quốc là nước đầu tiên trên thế giới triển khai mạng 5G trên toàn quốc từ tháng 4. Họ đã cho các nhà mạng viễn thông tự quyền quyết định về việc có sử dụng công nghệ của Huawei hay không. Họ không công khai đứng về phía nào trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.
Trong số các mạng viễn thông của Hàn Quốc, LG Uplus, nhà mạng nhỏ nhất, đã khai thác các trạm thu phát và bộ truyền tín hiệu của Huawei cho mạng 5G. Trong khi đó, các nhà mạng khác chọn thiết bị của Samsung, Ericsson và Nokia.
Huawei chủ trương theo đuổi cách tiếp cận lặng lẽ để xâm nhập vào thị trường Hàn Quốc nhằm tránh khuấy động tranh cãi. Hồi tháng 5, Huawei đã khai trương phòng thử nghiệm 5G ở quận Junggu, Seoul nhưng không mời báo chí đến chứng kiến.
Dù ông Moon không đề cập đến tranh cãi này, các quan chức giấu tên trong chính quyền nhấn mạnh rằng Huawei chỉ tham gia các dịch vụ 5G không có kết nối với mạng lưới được sử dụng bởi quân đội Mỹ và Hàn Quốc. Trong tháng này, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chính phủ sẽ xem xét các biện pháp "tôn trọng quyền tự chủ doanh nghiệp" mà không làm ảnh hưởng đến việc trao đổi thông tin an ninh và quân sự.
Hồi tháng 4, Robert Strayer, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách mạng, truyền thông quốc tế và chính sách thông tin, nói rằng Washington sẽ xem xét lại viêc chia sẻ thông tin với các đồng minh ở Đông Nam Á đang sử dụng công nghệ của Huawei.
Cùng với Triều Tiên, Huawei nằm trong số những chủ đề có khả năng được thảo luận trong chương trình nghị sự giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Moon ở Seoul vào ngày 30/6, sau hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản.
Daniel Pinkston, từng là nhà ngôn ngữ học Hàn Quốc của không quân Mỹ, nhận định an ninh quốc gia Hàn Quốc sẽ bị đòn giáng nặng nề nếu không được Mỹ chia sẻ thông tin tình báo họ đã thu thập nhờ công nghệ cao cấp như vệ tinh do thám.
"Hàn Quốc không có các nền tảng tình báo, giám sát và trinh sát tinh vi có thể 'nhìn sâu' vào khu vực vực biên giới Triều Tiên. Vì vậy, việc chia sẻ thông tin tình báo là rất quan trọng đối với Seoul để bù đắp khoảng trống năng lực này", Pinkston nói.
"Nếu hiệp định đình chiến giữa hai miền bán đảo Triều Tiên sụp đổ và chúng ta quay trở lại tình trạng thời chiến thì việc thu thập thông tin tình báo sẽ rất quan trọng để duy trì nỗ lực phối hợp về tác chiến, chiến thuật, chiến lược và chính trị", Pinkston cho biết thêm.
Tuy nhiên, Hàn Quốc lâm vào thế khó vì nước này có quan hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc, nước nhập 25% lượng hàng xuất khẩu của Hàn Quốc. Seoul từng chịu đòn trả đũa kinh tế của Bắc Kinh khi cho phép Mỹ triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại nước này năm 2017. Trung Quốc khi đó đã thúc đẩy người dân tẩy chay du lịch Hàn Quốc, gây thiệt hại ước tính 7.500 tỉ won (6,7 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm 2017.
Sungku Jang, học giả ở Viện Nghiên cứu chính sách Asan ở Seoul, nói rằng chính quyền ông Moon đặc biệt quan tâm đến việc Hàn Quốc phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. Đất hiếm là nhóm 17 nguyên tố hóa học dùng để sản xuất các linh kiện quan trọng của nhiều sản phẩm như điện thoại thông minh, tivi, máy ảnh, bóng đèn, xe điện và vũ khí. Chúng đóng vai trò quan trọng đối với ngành công nghiệp điện tử của Hàn Quốc.
"Nếu Hàn Quốc cấm cửa Huawei, Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách cấm bán đất hiếm cho công ty Hàn Quốc. Hàn Quốc nhập khẩu hơn 50% nhu cầu đất hiếm của nước này từ Trung Quốc", Jang nói.
Chung Chien-peng, giáo sư khoa học chính trị ở Đại học Lingnan, Hong Kong, cho rằng Hàn Quốc ít khả năng ngả theo lập trường của Washington về Huawei.
"Giống như hầu hết các nước ở Đông Á và Đông Nam Á, Hàn Quốc dựa vào Mỹ về mặt quân sự và dựa vào Trung Quốc về mặt kinh tế. Hàn Quốc ít khả năng theo chân Mỹ tẩy chay Huawei vì họ có lợi ích thương mại và đầu tư từ Trung Quốc, đồng thời Bắc Kinh sẽ nổi giận nếu Seoul làm vậy", Chung Chien-peng nói.
"Ông Moon dường như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng duy trì sự cân bằng mong manh giữa Washington và Bắc Kinh", Kim Jong-ha, chuyên gia an ninh ở Đại học Hannam, nói.
Theo Vnexpress.net
Bất chấp lệnh cấm của chính phủ Mỹ, Micron nối lại hợp tác với Huawei |
Bất chấp lệnh cấm từ Mỹ, Huawei tăng đầu tư vào 5G |
Chiến tranh thương mại "chặn cửa" về nước của xe Mỹ sản xuất tại Trung Quốc |