Rủi ro hàng Trung Quốc “mượn danh” Made in Vietnam sang Mỹ
Để hạn chế trường hợp hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi “mượn danh” hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế, giới phân tích cho rằng, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O).
Khi hàng hoá Trung Quốc gặp khó để sang thị trường Mỹ thì nguy cơ "đội lốt" Made in Vietnam là hiện hữu. |
Trong một báo cáo được BVSC phát hành mới đây, nhóm phân tích đưa ra nhận định, nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận thương mại mới vào cuối tháng 6 này dẫn tới việc chính quyền ông Donald Trump quyết định áp thuế 25% lên toàn bộ hàng hóa còn lại của Trung Quốc thì cơ hội tăng thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở thị trường Mỹ là rất lớn.
Khi đó, những mặt hàng tiêu dùng là thế mạnh sản xuất của Việt Nam như dệt may; da giày; đồ chơi và dụng cụ thể thao... sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để lấy thị phần từ Trung Quốc khi nước này bị đánh thuế.
Mức thuế 25% là khá lớn đối với những ngành có biên lợi nhuận trung bình, thâm dụng nhiều lao động nên xu hướng các nhà nhập khẩu Mỹ dịch chuyển đơn hàng sang các nước khác nhằm tránh thuế sẽ diễn ra mạnh hơn.
Kể cả trong kịch bản Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận dẫn đến việc Mỹ chưa áp thuế lên gần 250 tỷ USD còn lại thì chỉ riêng việc Mỹ tăng thuế từ 10 lên 25% đối với 200 tỷ hàng hóa Trung Quốc từ 10/05/2019 vừa qua cũng đã mang đến cơ hội để Việt Nam gia tăng thị phần xuất khẩu tại Mỹ trong các quý tới.
Trong bối cảnh đó, BVSC lưu ý đến trường hợp hàng Trung Quốc nhập vào Việt Nam rồi “mượn danh” hàng Việt Nam xuất đi Mỹ nhằm né thuế.
Theo đó, hàng Việt Nam xuất khẩu gia tăng mạnh có thể khiến Mỹ tăng cường các hoạt động kiểm tra về xuất xứ.
Nếu Mỹ phát hiện hàng hóa của các quốc gia khác chỉ quá cảnh qua Việt Nam rồi xuất đi, Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lên xuất khẩu toàn bộ nhóm hàng, gây thiệt hại liên đới đến các doanh nghiệp kinh doanh minh bạch, chuyên gia BVSC cảnh báo.
Do vậy, báo cáo của BVSC cho rằng, Việt Nam cần siết chặt các biện pháp quản lý thị trường cũng như công tác cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để tránh rủi ro trên.
Cũng theo BVSC, các mặt hàng điện tử và đồ điện gia dụng của Trung Quốc (trừ điện thoại di dộng) hầu hết đã bị Mỹ áp thuế trong gói hàng hóa trị giá 250 tỷ USD. Đây cũng là những nhóm hàng mà Việt Nam xuất vào Mỹ có mức tăng trưởng đột biến và mạnh nhất.
Trong khi đó, những nhóm hàng xuất khẩu thâm dụng nhiều lao động mà nhiều nhà đầu tư kỳ vọng Việt Nam sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế là dệt may, giày dép, sản xuất đồ chơi... trên thực tế lại chưa có thấy sự tăng trưởng bứt phá.
Điều này là do trong gói hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế cho đến nay chưa bao gồm những mặt hàng này. Do đó, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, giúp xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng mạnh tại các mặt hàng trên chưa thật sự rõ nét.
Dựa vào mức thị phần hàng Việt Nam tăng lên được (tăng 0,2%) kể từ khi Mỹ chính thức áp thuế lên hàng Trung Quốc một năm trước và quy mô gói hàng hóa Trung Quốc đang bị Mỹ đe dọa đánh thuế tiếp, BVSC ước tính: Nếu chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang lên mức cao nhất, thị phần xuất khẩu của Việt Nam tại Mỹ có thể tăng thêm khoảng 1% so với mức hiện nay, tương đương khoảng 25 tỷ USD (tức khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam và 25% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ trong năm 2018).
Theo Dân trí