Các triệu chứng báo hiệu bệnh thoát vị đĩa đệm
(PetroTimes) - Thoát vị đĩa đệm là bệnh lý vô cùng phổ biến, đặc biệt ở nam giới. Các bác sĩ khuyến cáo cần phát hiện bệnh sớm để quá trình điều trị hiệu quả hơn.
Thoát vị đĩa đệm - Đừng tự ý điều trị! |
Cách cải thiện thoái hóa đốt sống cổ ngay tại nhà |
Thoát vị đĩa đệm: Khi nào cần phẫu thuật? |
Theo các bác sĩ Bệnh viện Quốc tế City, tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị chèn ép mà các triệu chứng có thể khác nhau. Đối với thoát vị đĩa đệm cổ, người bệnh đau vùng vai gáy, yếu cơ bắp tay và cơ duỗi ở cổ tay; tê và đau nhói một nửa bàn tay.
Trong trường hợp thoát vị đĩa đệm lưng, người bệnh đau âm ỉ hoặc dữ dội vùng thắt lưng, có cảm giác tê, bỏng rát như bị kim châm, cứng lưng...
Khi đĩa đệm thoát vị chèn ép dây thần kinh tọa (dây thần kinh kéo dài từ lưng sau đến ngón chân), các cơn đau nhức, cảm giác tê yếu ở bắp chân, cẳng chân, bàn chân, ngón chân ở một bên cơ thể... sẽ xuất hiện.
Hầu hết thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cột sống lưng, ít hơn là ở cột sống cổ. Nếu thoát vị đĩa đệm ở cột sống lưng thấp, đau chủ yếu ở mông đùi, đôi khi lan đến bàn chân. Nếu thoát vị đĩa đệm cột sống cổ đau sẽ liên quan vai và cánh tay. Đau này có thể tăng lên khi ho, hắt hơi hoặc những động tác có liên quan tư thế cột sống.
(Ảnh minh họa) |
Một trong những nguyên nhân chính gây thoát vị đĩa đệm là do tuổi tác. Sự lão hóa khiến đĩa đệm bị bào mòn và mất nước, sụn khớp hư tổn... nên chỉ cần sự chèn ép đủ lớn và lâu ngày, bao xơ dễ dàng bị rách và nhân nhầy thoát ra ngoài.
Bên cạnh đó thói quen sinh hoạt và đặc thù công việc. Dân văn phòng, tư vấn viên, công nhân, bán hàng, người lao động ngồi, đứng quá lâu, mang vác vật nặng… hoặc thói quen làm việc như gù lưng, vẹo lưng, sai tư thế trong một thời gian dài sẽ gây áp lực lên cột sống vốn đã yếu ớt và hình thành bệnh.
Ngoài ra, bệnh có thể hình thành do chấn thương khiến đĩa đệm bị tác động đột ngột và nứt, rách bao xơ. Một số người có di truyền cột sống yếu, dễ bị thoái hóa và thoát vị đĩa đệm.
M.P