Xu hướng doanh nghiệp FDI nhỏ lẻ đầu tư vào Việt Nam
(PetroTimes) - Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho rằng, hiện đang có xu hướng doanh nghiệp FDI nhỏ lẻ đầu tư vào Việt Nam đóng vai trò là doanh nghiệp vệ tinh, cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp lớn.
Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tính đến ngày 20/5, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 16,74 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2018. Tăng trưởng về thu hút nguồn vốn FDI đã chứng tỏ ưu thế về môi trường đầu tư tại Việt Nam.
9 |
(Ảnh minh họa) |
Cụ thể, các nhà đầu tư nước ngoài đã “rót tiền” đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, trong đó đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt 12 tỷ USD, chiếm hơn 71% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 1,138 tỷ USD, chiếm 6,8% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đây có thể coi là một tín hiệu tích cực khi dòng vốn đầu tư đã chuyển từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản sang lĩnh vực chế biến, chế tạo vốn được coi là mang lại giá trị bền vững hơn cho kinh tế trong nước.
Xét theo đối tác đầu tư, sau 4 tháng liên tiếp dẫn đầu, Trung Quốc đã tụt xuống vị trí thứ 2 về vốn đầu tư mới trong tháng 5 với 250 triệu USD (xếp sau Hàn Quốc với 357 triệu USD). Tuy nhiên, tính lũy kế 5 tháng, Trung Quốc vẫn đứng đầu với 1,56 tỷ USD với 233 dự án, con số này gấp 5,5 lần so với đầu tư FDI của Trung Quốc vào Việt Nam cùng kỳ năm 2018. Đây cũng là năm đầu tiên Trung Quốc có số vốn đăng ký mới vào Việt Nam lớn nhất.
Các chuyên gia nhận định, khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, dòng vốn sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm, để tránh “lệnh trừng phạt” của Mỹ. Đó không chỉ là các nhà đầu tư của Trung Quốc, mà cả các nhà đầu tư nước khác “tháo chạy” khỏi Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Hiệp định CPTPP bắt đầu thực hiện từ năm 2019 cũng mở ra cơ hội lớn về thu hút vốn đầu tư FDI.
Trong khi đó, tiềm năng, triển vọng về xuất khẩu, hội nhập của Việt Nam cao hơn so với các nước, đặc biệt là vấn đề ổn định kinh tế trong nước cũng là “điểm cộng” để Việt Nam hút mạnh vốn FDI.
Thực tế hiện nay đang có xu hướng, doanh nghiệp FDI nhỏ lẻ đầu tư vào Việt Nam đóng vai trò là doanh nghiệp vệ tinh, cung cấp các dịch vụ cho doanh nghiệp lớn. Ông Đậu Anh Tuấn - Giám đốc Dự án PCI cho biết: “Vấn đề này hàm chứa thông điệp đáng lo ngại. Bởi lẽ các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, nhưng nếu doanh nghiệp nước ngoài quy mô nhỏ vào nhiều thì doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đối mặt cạnh tranh nhiều từ chính các doanh nghiệp quy mô nhỏ này”.
Nói về điều này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho ví dụ, tỷ lệ nội địa hóa của Samsung Việt Nam hiện chỉ đạt khoảng 35%, khả năng tham gia của các doanh nghiệp thuần Việt vào chuỗi sản xuất của tập đoàn này là chưa cao, chưa ổn định. Hay như Canon đã hoạt động ở Việt Nam gần 20 năm, song mới chỉ có 20 doanh nghiệp hỗ trợ thuần Việt trên tổng số 160 doanh nghiệp, cũng chiếm tỷ lệ rất nhỏ, ông Hoàng An nói.
Như vậy, nếu xu hướng trên là đúng và trở nên phổ biến sẽ là điều thiệt thòi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Vì thế, dù dòng vốn FDI đang tăng kỷ lục nhưng Việt Nam cần chọn lọc dự án và nhà đầu tư chứ không nên tiếp nhận đầu tư bằng mọi giá. Đồng thời, không nên ưu đãi quá nhiều cho khối FDI, sẽ khiến các DN trong nước khó cạnh tranh.
Minh Thùy