Bệnh “chây ỳ” của doanh nghiệp khiến nợ thuế gia tăng
(PetroTimes) - Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất khó khăn và nan giải.
Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế Lê Văn Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2019, toàn ngành thuế đã thực hiện được 22.714 cuộc thanh tra, đạt 26,07% kế hoạch năm 2019 (22.714 doanh nghiệp/87.141 doanh nghiệp); kiểm tra được 138.364 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế.
Tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là 13.536,21 tỷ đồng, bằng 113,13% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.122,58 tỷ đồng, đạt 52,47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra, tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2018.
(Ảnh minh họa) |
Ngành thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra được 80 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết, truy thu, truy hoàn và phạt gần 492 tỷ đồng, giảm lỗ trên 947 tỷ đồng, giảm khấu trừ 4,87 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.131 tỷ đồng; thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng là 1.875 quyết định, tương ứng với số tiền hoàn thuế là 8.061 tỷ đồng. Tổng số tiền truy hoàn và phạt đạt trên 55 tỷ đồng.
Hiện nay, có một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những doanh nghiệp khởi nghiệp có “vốn mỏng” (chủ yếu nguồn vốn đi vay ngân hàng), khi sản xuất kinh doanh gặp khó khăn dẫn đến mất khả năng thanh toán, không có nguồn để nộp các khoản thuế phát sinh, hoặc số tiền nợ thuế.
Ông Đoàn Xuân Toản - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho rằng, việc thu hồi nợ đọng thuế là nhiệm vụ rất khó khăn và nan giải. Tuy nhiên, đây là nhiệm vụ quan trọng góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.
Trong 5 tháng đầu năm 2019, ngành thuế đã triển khai rất nhiều biện pháp quản lý thu hồi nợ đọng thuế. Theo đó, cơ quan thuế cưỡng chế đối với các trường hợp chây ỳ nợ thuế; công bố công khai thông tin những trường hợp người nộp thuế chây ỳ lên các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của Tổng cục Thuế.
Đặc biệt, chính quyền các địa phương cũng vào cuộc và thành lập các đoàn thu hồi nợ đọng thuế. Số thu hồi nợ đọng trong 5 tháng đầu năm đạt 13.390 tỷ đồng, bằng 34,5% (tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2018); trong đó, thu bằng biện pháp quản lý nợ thuế là 10.246 tỷ đồng, thu bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế đạt 3.144 tỷ đồng.
Theo ông Toản, việc thu hồi nợ thuế có rất nhiều khó khăn, nhưng có ba khó khăn chính, đó là hiện nay có một bộ phận doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, hoặc những doanh nghiệp khởi nghiệp trong quá trình tham gia sản xuất kinh doanh do việc lựa chọn ngành nghề lĩnh vực không phù hợp với thị trường, hoặc nguồn vốn “mỏng”, chủ yếu là nguồn vốn đi vay ngân hàng, sản xuất kinh doanh gặp khó khăn khiến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán nên không có nguồn để nộp các khoản thuế phát sinh, hoặc số tiền nợ thuế.
Bên cạnh đó, ông Toản cho rằng, cũng có những doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh gặp những sự cố bất khả kháng, ngoài sự mong muốn của doanh nghiệp như gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ ảnh hưởng lớn đến sản xuất kinh doanh. Dù doanh nghiệp đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng cũng không có đủ nguồn để nộp tiền nợ thuế.
Một khó khăn nữa được ông Toản chỉ ra là việc tính mức phạt 0,03% ngày đối với khoản chậm nộp không có khả năng thu hồi dẫn đến là số tiền chậm nộp ngày càng tăng lên.
M.T
Hà Nội: 194 doanh nghiệp nợ thuế |
5 trường hợp được xóa tiền nợ thuế, tiền phạt, chậm nộp |
Xóa hơn 40 nghìn tỉ đồng nợ thuế như thế nào? |