Xe nhập tiêu thụ tăng kỷ lục 200%, xe nội suy thoái, giảm đà tăng trưởng
Doanh số tiêu thụ xe hơi tháng 5 và 5 tháng đầu năm đã tăng mạnh nhờ có sự đóng góp của các dòng xe nhập khẩu, với mức tiêu thụ tăng hơn 200%. Trái ngược, sản lượng bán ra của các doanh nghiệp lắp ráp xe trong nước dù vẫn chiếm lượng lớn, song tăng chậm và có chiều hướng suy giảm.
Đây cũng được xem là nguyên nhân chính lý giải tại sao thời điểm từ tháng 5 đến nay, hàng loạt hãng xe trong nước đang giảm giá ồ ạt các mẫu xe, cho dù nhiều loại có doanh số cao, mẫu xe chiến lược.
Xe nhập có đà tiêu thụ tăng vọt, khiến các hãng xe trong nước buộc phải đua sức, giảm giá để giữ thị trường |
Theo công bố của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các doanh nghiệp xe hơi tại Việt Nam trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm bất ngờ tăng mạnh so với tháng trước đó và cùng kỳ năm trước.
Về tổng lượng bán xe, theo VAMA, trong tháng 5, có hơn 27.300 chiếc được bán ra, trong đó hơn 19.500 chiếc xe dưới 9 chỗ ngồi, hơn 7.300 chiếc xe thương mại và hơn 500 chiếc xe chuyên dụng, xe tải.
Các dòng xe đều có doanh số tăng, xe du lịch tăng mạnh nhất hơn 36%, xe thương mại hơn 21% và xe chuyên dụng hơn 12%.
Về phân loại nguồn gốc xuất xứ, sản lượng xe lắp ráp trong nước bán ra đạt hơn 15.000 chiếc, tăng nhẹ so với tháng trước. Trong khi đó, lượng xe nhập tăng rất mạnh hơn 75%, đạt hơn 12.000 chiếc.
Sedan vẫn là mẫu xe ăn khách với doanh số bán ra hơn 8.000 chiếc, xe đa dụng đứng vị trí thứ 2, xe gia đình đứng ở vị trí thứ 3 và xe pickup đứng ở vị trí thứ 4 về doanh số.
VAMA khẳng định, lượng tiêu thụ xe cá nhân tại Việt Nam trong tháng 5 đã có bước tăng ngoạn mục so với trước. Cụ thể, lượng xe du lịch tăng hơn 5.000 chiếc so với tháng 4, chấm dứt nguy cơ xe du lịch giảm sức mua từ tháng 4/2019.
Theo số liệu của VAMA, thị trường xe hơi Việt sớm chạm mốc mới khi tổng doanh số bán xe đạt trên 126.000 chiếc, tăng 23.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước. Trong đó đặc biệt là sức tăng mạnh của xe cá nhân khi đạt mức bán ra 92.700 chiếc, tăng 24.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xe du lịch ngày càng có lượng bán ra chiếm tỷ lệ lớn hơn các dòng xe khác. Theo VAMA, từ chỗ lượng bán xe du lịch chỉ chiếm 66% trong 5 tháng đầu năm 2018, đến nay tỷ lệ xe du lịch bán ra tại Việt Nam đã tăng lên 73%, mức tăng 7%/năm.
Tuy nhiên, một điều đáng lo ngại là doanh nghiệp xe hơi Việt đang nhường thị trường lại cho các hãng xe nhập, liên doanh nhập xe. Cụ thể, tổng lượng bán ra của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe hơi tại Việt Nam 5 tháng qua chỉ đạt hơn 75.000 chiếc, giảm hơn 12.000 chiếc, (gần 14%) so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, các hãng xe nhập từ chỗ chỉ bán ra được hơn 16.500 chiếc 5 tháng đầu năm 2018, nay đã có mức bán ra đạt kỷ lục hơn 51.000 chiếc, tăng hơn 34.000 chiếc, mức tăng hơn 200% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể nói việc bùng nổ thị trường xe hơi tại Việt Nam đến từ tác động rất mạnh của các mẫu, dòng xe nhập khẩu đổ bộ ồ ạt khi được bỏ thuế. Các mẫu xe chủ yếu được nhập từ Thái Lan, Indonesia như Honda CRV, HRV, BRV, Brio, Toyota Fortuner, Rush, Avanza, Wigo hay Mitsubishi Xpander, Nisan Terra, Ford Ranger....
Theo Dân trí