Tin tức kinh tế ngày 10/6: Startup Việt trước “cơn mưa” vốn; lợi nhuận Trung Nguyên giảm 50%
(PetroTimes) - Tổng cộng có 18 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cam kết sẽ dành 425 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho các Startup tại Việt Nam trong vòng ba năm tới; Lợi nhuận Trung Nguyên giảm 50%; Tỷ giá Nhân dân tệ xuống thấp nhất từ đầu năm... là những tin kinh tế đáng chú ý trong ngày 10/6.
18 quỹ đầu tư cam kết rót 10.000 tỷ đồng cho cộng đồng Startup Việt
Tại Hội nghị Việt Nam Venture Summit 2019 diễn ra sáng 10/6, các quỹ đầu tư lớn trong nước và trên thế giới đã có những ký kết rót vốn cho các công ty khởi nghiệp, cộng đồng startup Việt Nam trong thời gian tới. Cụ thể, Quỹ đầu tư DT&I Hàn Quốc quyết định sẽ đầu tư cho Startup Propzy số tiền 1,4 triệu USD trong quý 2 năm nay.
(Ảnh minh họa) |
Quỹ VinaCapital sẽ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược với 2 Quỹ của Hàn Quốc để đánh dấu việc Quỹ này dự kiến sẽ đầu tư 100 triệu USD cho các Startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Đại diện Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng chia sẻ thông tin về Quỹ mới nhất của EU, trị giá 3 tỷ Euro dành cho các Starup…
Tổng cộng, có 18 quỹ đầu tư trong và ngoài nước cam kết sẽ dành 425 triệu USD, tương đương khoảng 10.000 tỷ đồng đầu tư cho các Startup tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới.
Theo Báo cáo thường niên về tình hình đầu tư khởi nghiệp năm 2018 của Topica Founder Institute (TFI), trong năm 2018 các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các Quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 (cùng số thương vụ) và gấp 6 lần năm 2016.
Dự kiến trong các năm tới, các Startup giai đoạn đầu của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút những khoản đầu tư lớn với ước tính của các năm 2019, 2020 và 2021 lần lượt là 205 triệu USD, 320 triệu USD và 440 triệu USD.
Tỷ giá Nhân dân tệ xuống thấp nhất từ đầu năm
Tỷ giá đồng Nhân dân tệ giao dịch tại thị trường Trung Quốc đại lục ngày 10/6 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, sau phát biểu của Thống đốc Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) và dữ liệu cho thấy nhập khẩu của Trung Quốc giảm mạnh hơn dự báo.
Tại thị trường Hồng Kông, tỷ giá Nhân dân tệ trong buổi sáng có lúc đứng ở mức 6,9538 tệ đổi 1 USD |
Theo hãng tin CNBC, tỷ giá Nhân dân tệ tại thị trường đại lục có lúc giảm còn 6,9352 tệ đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay, từ mức khoảng 6,9 Nhân dân tệ đổi 1 USD vào tuần trước.
Tại thị trường Hồng Kông, tỷ giá Nhân dân tệ trong buổi sáng có lúc đứng ở mức 6,9538 tệ đổi 1 USD, hồi phục so với mức thấp 6,9619 tệ đổi 1 USD vào hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, mức tỷ giá này vẫn thấp hơn đáng kể so với mức khoảng 6,92 tệ đổi 1 USD trong phần lớn thời gian của tuần trước.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm thứ sáu tuần trước, Thống đốc PBoC Dịch Cương - khi được hỏi liệu có một "giới hạn đỏ" nào cho tỷ giá Nhân dân tệ - đã trả lời rằng "không có con số nào quan trọng hơn những con số khác".
"Rõ ràng có một mối liên hệ giữa chiến tranh thương mại và biến động tỷ giá Nhân dân tệ", ông Dịch Cương nói với hãng tin Bloomberg, đồng thời nhấn mạnh rằng "một chút linh hoạt" trong tỷ giá Nhân dân tệ sẽ tốt cho nền kinh tế Trung Quốc.
Thị trường xem đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng để Nhân dân tệ suy yếu để bù đắp phần nào ảnh hưởng của thuế quan mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc, bởi đồng nội tệ mất giá sẽ giúp hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc cạnh tranh tốt hơn.
Lợi nhuận Trung Nguyên giảm 50%
Báo cáo tài chính năm 2018 của Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên (TNG) ghi nhận doanh thu hơn 4.800 tỷ đồng, tăng gần 8% so với năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp này bất ngờ giảm gần 50%, chỉ còn 347 tỷ so với mức gần 681 tỷ đồng năm 2017.
(Ảnh minh họa) |
Yếu tố đầu tiên ảnh hưởng tới kết quả này là hiệu suất hoạt động kinh doanh của Trung Nguyên đã liên tục giảm trong 3 năm gần nhất. Biên lợi nhuận gộp từ mức 37,4% năm 2016, giảm xuống 34% năm 2017 và đến năm 2018 chỉ còn 27,9%.
Hiệu suất hoạt động kinh doanh giảm, song các khoản chi phí của Trung Nguyên đều tăng, đứng đầu là chi phí bán hàng. Số liệu từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp này cho biết, Trung Nguyên chi ra gần 725 tỷ đồng cho khoản mục này năm 2018, tăng 19% cùng kỳ và chiếm quá nửa lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh.
Zara thu hơn 3.000 tỷ đồng sau ba năm xuất hiện tại Việt Nam
Xuất hiện trên thị trường chỉ hơn ba năm, những thương hiệu ngoại có mức giá bình dân như Zara và H&M nhanh chóng chứng minh sức hấp dẫn với người tiêu dùng Việt khi doanh thu từ hai thương hiệu này bỏ xa những chuỗi thời trang nội như Blue Exchange, Ivy Moda hay Kowil.
(Ảnh minh họa) |
Theo báo cáo tài chính của Zara Việt Nam, chỉ với hai cửa hàng tại Hà Nội và TP HCM, doanh thu của thương hiệu này năm 2018 đã vượt 1.700 tỷ đồng, cao hơn cả những chuỗi bán lẻ thời trang cao cấp như Tam Sơn Fashion hay Mai Sơn International Retail.
Tại Việt Nam, Zara được phân phối bởi tập đoàn Mitra Adiperkasa của Indonesia từ năm 2016. Ngoài ra, năm 2017, đơn vị này còn đưa vào thị trường thêm ba thương hiệu thời trang khác gồm Massimo Dutti, Pull & Bear và Stradivarius. Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của Mitra Adiperkasa, Zara vẫn là cái tên chủ lực.
Theo số liệu năm 2018, doanh thu từ thị trường Việt Nam đem về cho tập đoàn này hơn 1.200 tỷ rupiah, tương đương khoảng 1.970 tỷ đồng. Trong 5 pháp nhân đang hoạt động, riêng Zara Việt Nam đã đóng góp gần 90%.
Việt Nam cũng thường được nhắc tới với những nhận xét tích cực, thực tế đây cũng là thị trường đứng thứ hai về doanh thu đóng góp cho Mitra Adiperkasa, chỉ sau Indonesia. Doanh thu từ thị trường Việt Nam năm 2018 tăng gần gấp đôi năm 2017 và gấp gần bốn lần thị trường Thái Lan (xếp thứ ba trong danh sách những thị trường chủ lực của Mitra Adiperkasa).
Tổng ba năm có mặt trên thị trường Việt Nam, thương hiệu thời trang này thu về gần 3.100 tỷ đồng, với biên lợi nhuận gộp bình quân hàng năm khoảng 40%.
BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ bất ngờ 'thoát lệnh' dừng thu phí
Thông tin từ Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ sáng 10/6 cho biết, đơn vị này đã lắp đặt xong hệ thống sao lưu dữ liệu thu phí mà Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu từ ngày 30/5. Do đó, hoạt động thu phí tại trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ vẫn diễn ra như bình thường.
Theo ông Vũ Ngọc Oánh, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, sau khi tiến hành việc nâng cấp bổ sung hệ thống lưu trữ, ngày 7/6, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã xuống trạm thu phí tiến hành kiểm tra hiện trường và có biên bản xác nhận Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành xong theo đúng tiến độ trước ngày 10/6.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng xác nhận đơn vị chủ đầu tư là Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã hoàn thành xong việc sao lưu theo yêu cầu của tổng cục trước ngày 10/6 nên sẽ không phải dừng thu phí.
Được biết, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang kiểm tra, rà soát lại các bước công việc và vào cuối ngày hôm nay (10/6) sẽ có thông báo gửi Bộ Giao thông vận tải cùng các cơ quan chức năng.
Trước đó như đã thông tin, ngày 28/11/2018, đoàn kiểm tra của Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã kiểm tra việc sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo yêu cầu Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay việc nâng cấp thời gian sao lưu dữ liệu thu phí.
Tuy nhiên do Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện các yêu cầu nói trên nên đầu tháng 5/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã báo cáo Bộ Giao thông vận tải phương án xử lý là yêu cầu Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định.
M.L (t/h)