“Không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết”
(PetroTimes) - Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tại buổi tọa đàm với chủ đề “Làm gì để ngành mía đường vượt “bẫy” hội nhập?” tổ chức sáng 1/6, tại Hà Nội.
Hội nhập đang là rào cản đối với mía đường?
Trong bối cảnh ngành mía đường nước ta đang chịu nhiều sức ép từ tác động, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; cạnh tranh quyết liệt của cây trồng khác; tình trạng khan hiếm và thiếu lao động trong nông nghiệp; tình trạng gian lận thương mại, buôn lậu đường ngày càng gia tăng… thì việc gia nhập và thực thi Hiệp định ATIGA theo lộ trình từ 1/1/2020 chắc chắn sẽ càng tạo ra những áp lực lớn đối với ngành mía đường.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phát biểu tại tọa đàm |
Chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế là phù hợp, là xu thế tất yếu. Tuy nhiên tiến trình hội nhập cần bảo đảm thực hiện có hiệu quả, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường cạnh tranh công bằng và minh bạch cho các doanh nghiệp.
Ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, trước khi ký Hiệp định ATIGA, chúng ta chưa đánh giá đầy đủ về ngành mía đường, đưa ra thời điểm hội nhập 1/1/2020 là chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường, hiện đang có sự đánh giá không chính xác về ngành mía đường khi cho rằng, ngành không phát triển, còn chờ vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Ông Thái dẫn chứng, thứ nhất, chương trình “1 triệu tấn đường” của Chính phủ, hình thành 44 nhà máy và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trước năm 1990, chúng ta phải nhập khẩu cả tỷ USD đường để phục vụ cho tiêu dùng. Nhưng khi có 44 nhà máy này, hơn 1 triệu tấn đường theo chương trình của Chính phủ đã đáp ứng nhu cầu cho xã hội, không phải nhập khẩu, tiết kiệm được tiền cho Nhà nước.
Một điều theo ông Thái rất đáng ghi nhận cho ngành đường là trong thời gian qua, ngành mía đường đưa cây mía vào vùng sâu vùng xa, biên giới, mở đường cho nông dân trồng mía; đảm bảo giá mía, góp phần đảm bảo cuộc sống cho nông dân.
Lật lại vấn đề, ông Thái băn khoăn, vậy sau hội nhập điều gì xảy ra? Ông Thái cho rằng, hội nhập sẽ khiến hàng triệu người nông dân không có việc làm. Đặc thù ngành mía đường trong nước sản xuất còn manh mún, công nghệ chưa hiện đại, chi phi sản xuất, lợi nhuận thu về thấp. Do đó, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. “Khẩn thiết đề nghị Chính phủ phải thận trọng, đánh giá toàn diện làm sao đảm bảo được đời sống người nông dân khi đưa ngành mía đường bước chân vào hội nhập”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường nói.
Cần giải pháp quyết liệt
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, việc bảo hộ cũng phải có chọn lọc và thời gian cho một số ngành mà chúng ta ưu tiên. Một số ngành đã được áp dụng thuế quan, trong đó có đường, muối, trứng gia cầm, thuốc lá. Những ngành này đều có tác động tới người nông dân.
(Ảnh minh họa) |
Về chương trình thuế cho mía đường, Bộ đều có báo cáo với Chính phủ, tham vấn với các bộ ngành, các đối tượng có liên quan. Trong khuôn khổ chương trình, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã vận động từng nước ASEAN, mặc dù bước đầu chưa được đồng ý ngay nhưng chúng ta vừa áp dụng và vừa thực hiện những công tác khác. Cuối cùng, họ đã đồng ý cho chúng ta kéo dài đến 1/1/2020. Mặt hàng đường là mặt hàng cuối cùng được áp dụng hạn ngạch thuế quan cho các nước ASEAN.
“Đến 1/1/2020, nếu chúng ta tiếp tục vi phạm cam kết, khả năng rất cao sẽ có trừng phạt thương mại đối với Việt Nam. Ngoài ra, nếu trong trường hợp vi phạm lại, trong 90 ngày người ta sẽ trả đũa ngay theo quy định ở hiệp định. Từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới, Việt Nam chưa bao giờ bị kiện. Chúng ta thực hiện các quy định rất nghiêm túc và đúng pháp luật”, đại diện Bộ Công Thương nói.
Cùng với đó, ông Lương Hoàng Thái băn khoăn: “Cái chúng ta đang nhìn vào là biện pháp hạn ngạch thuế quan áp dụng cho các nước ASEAN. Chúng ta vận động rất cao, rồi đàm phán, các nước đồng ý gia hạn cho Việt Nam thêm 2 năm (từ 2018 đến 2020). Nếu bây giờ chúng ta tiếp tục xin gia hạn nhưng ngành vẫn chưa thể mạnh lên, liệu có được không?”.
Bên cạnh đó, theo ông Thái, nếu đi đàm phán thì phải đánh đổi. Các mặt hàng khác đưa thuế về 0% rồi, đường là mặt hàng cuối cùng chúng ta bảo hộ. Nếu đánh đổi thì doanh nghiệp Thái Lan có đồng ý không? Liệu chúng ta có chấp nhận để họ tăng thuế gạo hay mặt hàng nào khác không? Các công cụ trợ cấp các nước được phép sử dụng, họ áp dụng rồi xuất khẩu hàng sang ta gây ảnh hưởng sản xuất trong nước thì ta có thể có những biện pháp phòng ngừa thương mại. Đồng thời ông Thái khẳng định: “Chúng tôi khẳng định, không bao giờ Chính phủ để một ngành lớn như ngành đường chết”.
Đóng góp ý kiến về vấn đề này, TS. Nguyễn Minh Phong, Chuyên gia kinh tế cho rằng, trong bối cảnh của ngành mía đường hiện nay, cần một số giải pháp như sau: Chúng ta nói Thái Lan có bảo hộ vậy thì sao Việt Nam không làm. Chúng ta cũng áp dụng được những biện pháp không thua kém nước ngoài. Chúng ta đưa ra những giải pháp bảo hộ cần thiết phù hợp và khả thi. Nếu chúng ta không làm được điều đó là lỗi của ngành Công Thương.
Đồng thời, phải quy hoạch ổn định ngành mía đường tương đương với quy hoạch an ninh lúa gạo, ngăn chặn tự phát gắn với chính sách, chuỗi công nghiệp chế biến. Cần phải thực hiện hỗ trợ cho ngành mía tất cả các khía cạnh từ giống, tiêu dùng, xuất khẩu…
Ngoài ra, chúng ta phải mở rộng hợp tác quốc tế. Tăng cường hợp tác trong nước để tái cơ cấu ngành mía đường. Bên cạnh đó, đa dạng hóa các sản phẩm từ mía đường, đặc biệt là về sản phẩm năng lượng.
Minh Thùy
Sức ép ngày càng gia tăng đối với ngành mía đường |
Doanh nghiệp mía đường vẫn kinh doanh “ảm đạm” |
Vị đắng mía đường |