Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi là “miếng bánh ngon” hút doanh nghiệp ngoại
(PetroTimes) - Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - trực thuộc C.P Group của Thái Lan với gần 30 năm hoạt động tại thị trường nông nghiệp Việt Nam, hiện là DN lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Ngành chăn nuôi Việt Nam hiện chủ yếu vẫn dựa trên các hộ sản xuất là chủ yếu, cộng thêm quá trình chế biến vẫn còn thủ công nên sản phẩm đầu ra cũng rất khó kiểm soát về chất lượng cũng như các tiêu chuẩn an toàn.
Trong khi đó, các DN ngoại nhờ áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất chăn nuôi, hệ thống chuồng trại được xây dựng bài bản cũng như công tác phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt nên sản phẩm xuất ra thị trường rất ổn định và có xuất xứ rõ ràng.
(Ảnh minh họa) |
Trước diễn biến các dịch bệnh không ngừng hoành hành ngành chăn nuôi trong mấy năm qua, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ điêu đứng, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến phá sản thì nhiều doanh nghiệp lớn trong đó có các doanh nghiệp ngoại được đầu tư bài bản vẫn “sống khỏe”.
Trong số các DN ngoại đó, phải kể đến Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam - trực thuộc C.P Group của Thái Lan với gần 30 năm hoạt động tại thị trường nông nghiệp Việt Nam, hiện là DN lớn nhất trong lĩnh vực chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.
Hiện tại, công suất chế biến thịt gà của C.P Thái Lan ở mức 30 triệu con mỗi tuần. Công ty đã đầu tư 6,43 triệu baht để xây dây chuyền sản xuất gia cầm tại Bình Phước, nơi được đánh giá là có khí hậu thuận lợi cho việc sản xuất gà phục vụ cho xuẩt khẩu. Hạng mục đầu tư bao gồm một trang trại gà thịt, khu vực giết mổ.
Ông Sooksan Jiumjaiswanglert, Phó Chủ tịch C.P Việt Nam cho biết, trong khi nhiều nhà đầu tư đang chuyển sang tìm kiếm cơ hội tại Myanmar thì C.P vẫn đánh giá cao thị trường Việt Nam, coi đây là bước đệm để mở rộng đầu tư sang Campuchia, Lào và miền Nam Trung Quốc.
Đồng thời, lãnh đạo C.P Việt Nam, nhận định nhờ sự kết nối gần gũi hơn với các nước trong khu vực, thị trường Việt Nam chắc chắn sẽ có sức lan tỏa mạnh, chứ không chỉ gói gọn trong 90 triệu dân. Các nhà đầu tư vì thế sẽ có nhiều cơ hội tốt để mở rộng làm ăn sang các nước láng giềng của Việt Nam.
C.P Việt Nam dự kiến sẽ mở rộng dây chuyền sản xuất tại nhà máy chế biến thực phẩm nhằm xây dựng thương hiệu. Trong hơn 5 năm qua, doanh thu của C.P Việt Nam đã tăng trung bình 29%/năm.
Nhận định thị trường chăn nuôi Việt Nam tiềm năng nên cuối tháng 4/2019, Tập đoàn sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu Trung Quốc New Hope Group cũng đã đầu tư xây dựng 3 trang trại chăn nuôi lợn ở Thanh Hóa, Bình Phước, Bình Định với số vốn 3,8 nghìn tỷ đồng. Theo kế hoạch của tập đoàn này, các trang trại chăn nuôi sẽ được xây dựng và nhanh chóng hoàn thành vào năm 2021, cho năng suất xuất chuồng trung bình 930 nghìn con lợn/năm.
Hiện nay, theo Cục Chăn nuôi ước tính, Việt Nam có khoảng 3 triệu cơ sở chăn nuôi lợn trên cả nước và khoảng 500 nghìn hộ chăn nuôi sẵn sàng tham gia nuôi lợn khi được giá. Lợn nuôi theo hướng hàng hóa chiếm đến 75% số cơ sở chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi có sử dụng cám công nghiệp ước khoảng 70%. Năng suất chăn nuôi lợn của Việt Nam thuộc dạng thấp, chỉ từ 17 - 24 con cai sữa/nái/năm.
Trong những năm gần đây, các công nghệ hiện đại đã được chuyển giao và người chăn nuôi Việt Nam đã tiếp cận tốt. Cùng với đó, môi trường đầu tư vào chăn nuôi ở Việt Nam cũng thuận lợi, cụ thể là các chính sách khuyến khích DN, tổ chức, cá nhân đầu tư vào ngành chăn nuôi. Các DN FDI Việt Nam hiện đang hoạt động rất hiệu quả.
M.L
Ngành chăn nuôi gia cầm tìm đường xuất khẩu sang thị trường khó tính |
Nhọc nhằn xuất khẩu thịt lợn |
Chính thức xuất khẩu thịt lợn sang Myanmar |