Xử lý hình sự nếu phát hiện tham nhũng sau khi kiểm toán
(PetroTimes) - “Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật" - Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ.
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 23/5, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN).
Trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0, gắn với việc hội nhập quốc tế đòi hỏi nâng cao hơn nữa năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động của KTNN; đồng thời, sau hơn 3 năm thi hành, Luật KTNN bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc |
Về bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Cơ quan soạn thảo phân tích, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán. KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng.
Theo Tờ trình, qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện, kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý. Năm 2017, KTNN đã kiến nghị chuyển cơ quan cảnh sát điều tra 6 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Năm 2018, có 33 báo cáo kiểm toán có kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân; chuyển 05 bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra; cung cấp 12 bộ hồ sơ, tài liệu cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác giám sát, kiểm tra, tố tụng và gửi một số báo cáo chuyên đề (gồm 146 BCKT và các tài liệu liên quan) cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các đoàn giám sát của Quốc hội…
Bên cạnh đó, Tờ trình nêu rõ: Để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật KTNN với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ về phòng chống tham nhũng, cần quy định bổ sung vào Điều 10 với nội dung: Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Đối với nội dung bổ sung quy định về trách nhiệm của trưởng đoàn kiểm toán, thành viên khi hoàn thành cuộc kiểm toán nhưng sau đó phát hiện sai phạm, cơ quan soạn thảo chỉ ra rằng, Điều 64 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung thì Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán trước đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Để đảm bảo chặt chẽ, tránh trường hợp khi cơ quan có thẩm quyền xem xét về cùng một nội dung đã được thanh tra, kiểm toán nhưng việc xem xét được thực hiện trên hồ sơ, tài liệu khác (ngoài các hồ sơ, tài liệu đã cung cấp cho cơ quan trước) thì có thể có các phát hiện khác nhau. KTNN đề nghị quy định tại Điều 71 theo hướng: “Trường hợp sau khi kết thúc kiểm toán mà cơ quan thẩm quyền khác phát hiện vụ việc tham nhũng xảy ra tại cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tiến hành kiểm toán về cùng một nội dung, cùng hồ sơ, tài liệu đã kiểm toán thì trưởng đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán và cá nhân có liên quan đã tiến hành kiểm toán cuộc đó nếu có lỗi thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật”.
Minh Loan