Dự báo giá dầu trước viễn cảnh xung đột ở vùng Vịnh
(PetroTimes) - Giá vàng đen có thể tăng mạnh trong trường hợp tình hình ở vùng Vịnh leo thang căng thẳng và sự xáo trộn ở eo biển Hormuz, các nhà phân tích thị trường dầu mỏ cảnh báo sau các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ gần đây.
Eo biển Hormuz |
Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đã gây ra sự cố ngừng hoạt động đường ống dẫn dầu lớn ở Arab Saudi vào ngày 14/5, làm gia tăng căng thẳng ở vùng Vịnh 2 ngày sau khi xảy ra các vụ phá hoại bí ẩn nhằm vào 4 tàu chở dầu ở vùng biển gần Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất.
"Hiện tại, hai sự cố này không gây gián đoạn nguồn cung dầu mỏ", Stephen Brennock, nhà phân tích tại PVM, giải thích. Nhưng "khu vực vùng Vịnh đang biến thành một thùng thuốc súng và các nhà đầu tư đặc biệt nhạy cảm với thông tin đến từ khu vực này", nhà phân tích nói.
Các chuyên gia từ UniCredit cho biết: "Sự căng thẳng xung quanh eo biển Hormuz, một trong những tuyến đường biển chính của dầu mỏ trên thế giới, là rủi ro chính có thể khiến giá dầu tăng lên. Trung bình 17,5 triệu thùng dầu mỗi ngày, hoặc gần 20% nguồn cung của thế giới đi qua eo biển này", theo Bloomberg.
Mục tiêu chiến lược
Việc hạn chế nguồn cung đã đẩy giá lên từ đầu năm nay. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, bao gồm Nga, đang tự nguyện giảm sản xuất.
Nhưng hai trong số các thành viên của tổ chức, Venezuela và Iran, đang chịu lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ, trong đó ngành dầu mỏ của họ đặc biệt bị tác động, khiến nguồn cung dầu ra thị trường bị ảnh hưởng đáng kể.
Căng thẳng giữa Arab Saudi và Iran đã trầm trọng hơn vào cuối tháng 4/2019, khi Mỹ siết chặt các lệnh trừng phạt đối với Tehran và Riyadh, hứa sẽ tăng sản lượng để bù đắp cho sự thiếu hụt, dẫn đến việc Teheran đe dọa đóng cửa eo biển Hormuz giữa hai nước.
Các cuộc tấn công trong những ngày gần đây ảnh hưởng đến các mục tiêu "chiến lược", Olivier Jakob, một nhà phân tích tại Petromatrix nói. "Các mục tiêu là một đường ống dẫn dầu cho phép Arab Saudi xuất khẩu dầu mà không cần sử dụng eo biển Hormuz (qua Biển Đỏ) và cảng Fujairah, cửa ra của đường ống của Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất không phải đi qua Eo biển Ormuz”, Jakob giải thích.
Không có khả năng xảy ra xung đột
Nhiều nhà phân tích nghĩ rằng không có khả năng bùng nổ tình hình tại khu vực vùng Vịnh. "Về cơ bản, chúng tôi không tìm kiếm một cuộc chiến với Iran", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói hôm 14/5, trong khi Lãnh đạo tối cao của Iran Ali Khamenei cũng nói rằng "sẽ không có chiến tranh" với Hoa Kỳ.
Các nhà phân tích UniCredit cho biết: "Chúng tôi cho rằng rất khó có khả năng eo biển Ormuz bị chặn hoàn toàn".
Trong báo cáo hàng tháng được công bố hôm 15/5, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh rằng "không có sự gián đoạn nào về nguồn cung dầu và giá cả thay đổi rất ít".
Nh.Thạch