Vì sao Venezuela ly khai Tổ chức các quốc gia châu Mỹ?
(PetroTimes) - Vào ngày 27/4/2019, chính quyền Venezuela tuyên bố rằng quốc gia này không còn là thành viên của Tổ chức các quốc gia châu Mỹ. Tổ chức này là gì và vì sao lại bị Venezuela đoạn tuyệt?
Người dân Venezuela biểu tình ủng hộ việc rút khỏi OAS |
Về Tổ chức các quốc gia châu Mỹ
Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (Organisation of American States - OAS) là diễn đàn liên chính phủ hàng đầu của các quốc gia Tây bán cầu, được thành lập vào ngày 30/4/1948 trong Hội nghị liên Mỹ lần thứ 9 ở Bogota (Colombia) trên cơ sở Liên minh Pan-American được thành lập vào năm 1889-1890 (liên minh liên bang đầu tiên trong khu vực). Sau khi được thành lập, OAS đã trở thành cơ quan quản lý thường trực của Liên minh, năm 1970 đổi tên thành Ban Thư ký chung các quốc gia châu Mỹ. Từ năm 2015, tổng thư ký của tổ chức này là Luis Almagro (người Uruguay).
Mục tiêu chính của OAS là duy trì hòa bình và an ninh ở Tây bán cầu, giải quyết tranh chấp giữa các quốc gia thành viên, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và tổ chức các hành động chung trong trường hợp nổ ra chiến tranh xâm lược, cũng như phát triển hợp tác trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn hóa.
Ngôn ngữ làm việc của tổ chức là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Bồ Đào Nha. Trụ sở của OAS được đặt tại Washington DC, Hoa Kỳ.
Thành viên của tổ chức này là 35 quốc gia ở Bắc, Nam và Trung Mỹ.
Theo Điều 6 của Hiến chương OAS, bất kỳ quốc gia độc lập nào của Mỹ muốn tham gia tổ chức đều phải gửi một công hàm tương ứng cho Tổng thư ký; quốc gia này có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ tất cả các điều kiện của OAS, đặc biệt là liên quan đến an ninh chung của toàn khu vực. Theo điều 148 của Hiến chương, bất kỳ nước thành viên nào cũng có thể rút khỏi tổ chức bằng cách thông báo bằng văn bản cho Ban Thư ký. Hai năm sau, quốc gia đó sẽ chính thức mất quyền thành viên.
Khủng hoảng ở Venezuela
Do tình hình kinh tế ngày càng tồi tệ trong bối cảnh giá dầu giảm sâu (xuất khẩu dầu mang lại hơn 90% khoản thu ngân sách quốc gia), năm 2014, một làn sóng biểu tình chống chính phủ ồ ạt quét qua đất nước. Vào tháng 12/2015, khối Dân chủ Thống nhất, một liên minh của các đảng đối lập với Tổng thống Nicolas Maduro (tại chức từ năm 2013) đã chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội (NA, Quốc hội đơn viện). Sau đó, trong nước đã nổ ra cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ.
Năm 2017, Maduro đã thành lập Quốc hội lập hiến, một cơ quan quyền lực mới, gần như hoàn toàn thay thế quốc hội được bầu trước đó. Điều này dẫn đến sự đối đầu mới giữa các cơ quan hành pháp và lập pháp và làm bùng lên làn sóng phản đối lớn thứ hai (tháng 4-8/2017). Nạn nhân của cuộc đối đầu là hơn 120 người thiệt mạng trong những cuộc biểu tình, xung đột...
Trong bối cảnh khủng hoảng thể chế cấp tính ở nước này, cuộc bầu cử tổng thống đã được tổ chức, khi đó Maduro được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ hai. Phe đối lập không công nhận kết quả bỏ phiếu vì cho rằng cuộc bầu cử đã được tổ chức một cách không hợp lệ. Kết quả là, sau khi Maduro nhậm chức vào tháng 1/2019, lãnh đạo phe đối lập đồng thời là Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido tuyên bố mình là tổng thống lâm thời của nước cộng hòa (trong vai trò này, ông đã được hơn 40 quốc gia công nhận). Những sự kiện này gây ra các cuộc biểu tình hàng loạt của cả những người ủng hộ lẫn người phản đối Maduro. Theo Văn phòng Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, ít nhất 40 người chết trong các cuộc biểu tình, 850 người đã bị giam giữ.
Venezuela và OAS
Các sự kiện ở Venezuela đã bị chỉ trích bởi các quốc gia trong khu vực. Vào ngày 26/4/2017, OAS đã quyết định tổ chức một cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao của các quốc gia thành viên tham gia về tình hình tại Cộng hòa Venezuela mà không có sự đồng ý của Caracas. Để phản đối động thái này, ngay ngày hôm sau, 27/4/2017, tổng thống Nicolas Maduro đã ra lệnh thực hiện thủ tục tự hủy bỏ tư cách thành viên OAS của đất nước mình.
Vào năm 2018, OAS thông qua nghị quyết về việc không công nhận tư cách tổng thống (Venezuela) nhiệm kỳ 2 của Nicolas Maduro với 19 phiếu thuận, 6 phiếu chống, 8 phiếu trắng và đại diện của một quốc gia không có mặt trong cuộc bỏ phiếu. Vào ngày 14/9/2018, Tổng thư ký OAS Luis Almagro nói rằng không loại trừ khả năng tổ chức một cuộc can thiệp quân sự chống lại Venezuela để giải quyết cuộc khủng hoảng ở đất nước này.
Vào ngày 9/4/2019, OAS đã công nhận Gustavo Tarre Briceno, được chỉ định bởi Quốc hội, là Đại diện thường trực của Venezuela. Bộ Ngoại giao Venezuela đã lên án quyết định này, gọi đó là sự thao túng thô bạo, tống tiền và gây áp lực lên các quốc gia thành viên để giúp hiện thực hóa các mục tiêu của Washington (tức nhằm công nhận Guaido là tổng thống hợp pháp). Đồng thời, Bộ này cũng tuyên bố về việc Venezuela chính thức rút ra khỏi OAS, vì “không thể ở lại trong một tổ chức luôn quỳ gối trước lợi ích đế quốc”.
Venezuela rút khỏi Tổ chức các quốc gia châu Mỹ |
Rosneft giúp Venezuela lách trừng phạt Mỹ như thế nào? |
Nga quyết tâm bảo vệ Cuba và Venezuela đến cùng |