Mỹ ra tay bình định Sudan?
(PetroTimes) - Chính phủ Mỹ sẵn sàng gạt Sudan khỏi danh sách các quốc gia bị cáo buộc tài trợ khủng bố nếu Hội đồng quân sự chuyển tiếp tại quốc gia này cam kết tạo ra sự "thay đổi cơ bản" trong chính trị, một quan chức Mỹ biết hôm 16/4.
Quân đội Sudan đã lật đổ Tổng thống Omar Al-Bashir, người đã nắm quyền trong 30 năm, vào ngày 11/4 trước sức ép của một phong trào phản kháng ở quy mô chưa từng có. Sau đó, quân đội Sudan thành lập Hội đồng quân sự chuyển tiếp, tiếp quản quyền điều hành đất nước, dự định kéo dài 2 năm.
Người dân Sudan biểu tình hôm 16/4 và yêu cầu thành lập một chính phủ dân sự |
Nhưng hàng ngàn người Sudan vẫn xuống đường biểu tình hôm 16/4 và yêu cầu thành lập một chính phủ dân sự.
Theo một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, Hoa Kỳ đã đưa ra khả năng rút Sudan khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố trong các cuộc đàm phán với các nhà lãnh đạo quân sự Sudan sau khi họ phế truất ông Al-Bashir.
Trong nhiều năm qua, các quan chức Sudan đã tìm mọi cách để Mỹ rút nước này khỏi danh sách đen, mở đường cho các cuộc đàm phán với Washington nhưng mọi nỗ lực đều vô ích. Bản thân Tổng thống bị lật đổ Aal-Bashir cũng bị cáo buộc tội ác chiến tranh.
Có một cách để Sudan được ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố "là nếu có sự thay đổi cơ bản về mặt quản trị và chính sách nhà nước và nếu Hội đồng chuyển tiếp quân sự không ủng hộ các hành động khủng bố quốc tế trong tương lai", quan chức Mỹ nói.
Nhưng theo vị quan chức này, Hoa Kỳ chưa có ý định rút Sudan ra khỏi danh sách đen "ở thời điểm này". Ông cũng nói rằng Washington đã thúc giục Hội đồng chuyển tiếp quân sự "hành động nhanh chóng" để đưa dân thường vào một chính phủ chuyển tiếp và tổ chức các cuộc bầu cử.
Kể từ năm 1997, Hoa Kỳ đã gia tăng các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Sudan. Từ năm 1993, Sudan bị liệt vào danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố của Hoa Kỳ.
Trong một diễn biến khác liên quan, ngày 16/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã chỉ định một đặc phái viên cho vấn đề Sudan để giúp quốc gia châu Phi này hòa giải.
Cùng ngày, Liên minh châu Âu hy vọng rằng quá trình chuyển đổi ở Sudan "sẽ mang lại quyền lực cho một chính phủ dân sự".
Trước đó, Liên minh châu Phi đã đe dọa sẽ đình chỉ tư cách thành viên của Sudan nếu quân đội, lãnh đạo đất nước kể từ khi Tổng thống Omar Al-Bashir bị phế truất, không chuyển giao quyền lực cho một "chính quyền dân sự" trong khoảng thời gian 15 ngày.
Nh.Thạch (Theo AFP)
Tình hình Sudan biến chuyển mạnh |
Nhìn lại phong trào lật đổ tổng thống ở Sudan |
Toàn cảnh cuộc khủng hoảng ở Sudan |